Thế giới

Thượng đỉnh liên Triều khác biệt

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có một số động thái táo bạo khó tưởng

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp thượng đỉnh lần 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong các ngày 18 và 19-9 tại Bình Nhưỡng.

Thử thách khó nhất

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Hàn Quốc tới thủ đô của Triều Tiên trong 11 năm qua, sau 2 hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai bên trong năm nay. Cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba với ông Kim trong năm 2018 này được cho là thử thách khó nhằn nhất từ trước tới nay với ông chủ Nhà Xanh.

Hội nghị đầu tiên diễn ra vào một ngày nắng ấm cuối tháng 4, xoa dịu nỗi lo sợ chiến tranh trên bán đảo. Hội nghị lần hai, được tiến hành khẩn cấp hồi tháng 5, giúp bảo đảm cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đúng quỹ đạo. Nay, cuộc gặp thứ ba có thể gầy dựng hoặc phá vỡ di sản của tổng thống Hàn Quốc. Gánh nặng trên vai ông Moon không hề nhỏ: Phải đạt được kết quả gì đó thực chất hơn những tuyên bố mơ hồ về phi hạt nhân hóa và đưa đàm phán Mỹ - Triều đi đúng hướng.

"Mục đích của tôi ở thượng đỉnh này là nói chuyện với Chủ tịch Kim Jong-un với tấm lòng rộng mở" - ông Moon nói với các trợ lý cấp cao hôm 17-9 tại cuộc họp trước thềm chuyến thăm 3 ngày tới láng giềng.

Nhà lãnh đạo nhấn mạnh ông sẽ tập trung vào 2 yếu tố: "Thứ nhất, loại bỏ các nguy cơ đụng độ vũ trang và mối lo chiến tranh. Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán Mỹ - Triều về phi hạt nhân hóa… Tôi hy vọng có thể trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch Kim Jong-un để tìm ra nền tảng chung dung hòa giữa yêu cầu của Mỹ về phi hạt nhân hóa và đòi hỏi của Triều Tiên để kết thúc thù địch và bảo đảm an toàn (cho Bình Nhưỡng)".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (bên trái) chuẩn bị bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 Ảnh: AP

Việc phi hạt nhân hóa nằm ở vị trí then chốt trong chương trình nghị sự lần này đánh dấu sự khác biệt lớn so với những lần thượng đỉnh trước đó giữa lãnh đạo hai bên, theo Chánh Văn phòng của Tổng thống Moon, ông Im Jong-seok.

Trong khi đó, ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của ông Moon Jae-in, khẳng định sự thành công của tổng thống sẽ được xác định bằng việc liệu lãnh đạo Triều Tiên có nhượng bộ trong chương trình hạt nhân hay không. Bên cạnh đó, ông Moon còn có kế hoạch thảo luận về vấn đề hạ nhiệt căng thẳng quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên và giảm thiểu hiện diện quân sự tại khu vực biên giới.

"Tổng thống Moon sẽ nỗ lực thuyết phục ông Kim đi đến một số động thái táo bạo. Nếu Triều Tiên chịu gật đầu với những nhượng bộ đó và phía Mỹ cũng mạnh dạn đáp lại, theo sau đó sẽ là tiến trình bảo đảm thủ tục cho thỏa thuận hạn chế vũ khí. Điều đó sẽ xây dựng niềm tin đang thiếu hụt giữa Washington và Bình Nhưỡng" - ông Moon Chung-in giải thích.

Nghi hoặc

Vị cố vấn vốn là chuyên gia tại Trường ĐH Yonsei này còn nhận định để đáp lại bước đi khó tưởng như vậy của Bình Nhưỡng, Mỹ nên đưa ra cho nước này những bảo đảm chính trị (bằng một văn phòng liên lạc, một thỏa thuận không khiêu khích) và tài chính (bằng các khoản đầu tư).

Tuy nhiên, những con số khảo sát gần nhất cho thấy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Moon rớt xuống mức 49%, đánh dấu lần đầu tiên tỉ lệ ủng hộ xuống dưới ngưỡng 50% kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 5-2017. Điều này phản ánh sự hoài nghi đáng chú ý tại Hàn Quốc đối với thượng đỉnh liên Triều mới nhất.

Trong khi đó, tại cuộc khảo sát ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên hồi tháng 4, tỉ lệ ủng hộ ông Moon lên tới 83% - chứng tỏ dư luận phấn khích với cú bắt tay lịch sử, cùng nhau bước chân qua đường biên giới và các cảnh tượng đáng chú ý khác mà hai nhà lãnh đạo tạo ra sau nhiều năm căng thẳng leo thang.

Nhận định về sự sụt giảm mạnh nói trên, ông Kim Tae-woo, cựu Chủ tịch Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc - có trụ sở ở Seoul, nói: "Người dân (Hàn Quốc) đang bắt đầu hiểu ra rằng Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ hạt nhân".

Tuy vậy, theo hãng thông tấn AP, dù ông Moon thành công, thất hại hay lưng chừng ở giữa, thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba có thể giúp trả lời một câu hỏi dai dẳng: Khi ông Kim nói ủng hộ "phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên" - ông thực sự có ý gì.

Tác giả: THU HẰNG

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP