Xe

“Thuốc độc” BMW M1 Procar - siêu xe độc nhất Thế giới

Được tạo ra để sử dụng cho giải đua riêng Procar Championship, trên Thế giới hiện chỉ có duy nhất một chiếc BMW M1 Procar đủ điều kiện lưu thông.

Được sản xuất từ năm 1978 tới 1981, M1 là chiếc siêu xe động cơ đặt giữa đầu tiên do BMW sản xuất. Trong vòng đời của chiếc xe, hãng đã từng tổ chức riêng một giải đua chỉ dành riêng cho M1 mang tên M1 Procar Championship, trong đó mọi tay đua sẽ đều thi đấu trên những chiếc BMW M1 Procar.

Trên Thế giới, chỉ có tổng cộng 40 chiếc M1 Procar đã từng được BMW chế tạo, và tất cả số chúng đều là xe đua. Chiếc M1 trong bài viết này có số thứ tự sản xuất 31 và vốn là xe dự phòng trong thời kỳ giải đua M1 Procar Championship còn được tổ chức.

Tuy nhiên, nó đã không bao giờ được đưa ra đường đua, chính vì vậy sau đó BMW đã tháo gần như toàn bộ các bộ phận đặc biệt của xe đua để biến nó thành một chiếc M1 thường, bán đại trà cho khách hàng. Chính vì vậy, có thể coi chiếc xe số 31 này là chiếc M1 Procar được lưu thông hợp pháp duy nhất trên Thế giới.

Hiện nay, chiếc xe đã được hãng phục chế xe cổ Canepa ở Mỹ trả về đúng trạng thái của một chiếc M1 Procar nguyên bản, đồng thời nâng cấp thêm một số chi tiết. Ở bên ngoài, phiên bản M1 Procar nổi bật với bộ bodykit thể thao đặc trưng, kèm theo các vòm bánh với nẹp ốp nới rộng để vừa với lốp thể thao.

Bộ mâm 5 cánh với các nan ngang là điểm đặc trưng của dòng siêu xe M1, tuy nhiên trên phiên bản M1 Procar này, bộ mâm đã được "fake" bởi một nắp che với các họa tiết tương tự. Trên thực tế, chiếc xe có mâm nhiều nan với khóa trung tâm của hãng BBS, nhưng sử dụng nắp che nhằm hạn chế tối đa độ cản gió.

Ở phía sau, M1 Procar cũng có một cánh đuôi "khổng lồ" gắn trên nắp khoang động cơ, trong khi M1 thường không có chi tiết này. Tuy nhiên, điểm đặc trưng của M1 là logo BMW đối xứng 2 bên vẫn được giữ nguyên trên phiên bản M1 Procar.

Ở dạng nguyên bản, M1 Procar có nội thất tối giản hóa với bảng táp-lô thiết kế khác, không có hệ thống điều hòa, thảm lót sàn, các lớp cách âm và được trang bị ghế đua cùng bộ khung thép bảo vệ. Tuy nhiên chiếc xe số 31 đã được BMW lắp lại nội thất của một chiếc M1 thường nhằm đủ tiêu chuẩn lưu thông trên phố.

Không có những hệ thống thông tin giải trí hiện đại nhưng vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, M1 thuộc dạng khá hiện đại khi từ thời kỳ này, chiếc xe đã có hệ thống sưởi kính chống đọng sương và các cửa kính bên điều khiển điện.

So với phiên bản đua M1 Procar thật, chiếc xe cũng đã được thay các ghế đua bằng ghế thường thoải mái hơn. Toàn bộ nội thất của xe, bao gồm cả trần đều được bọc da cao cấp màu đen, trong khi các thảm lót sàn được bọc nhung.

Là một chiếc siêu xe đặt giữa, tuy nhiên M1 Procar lại không có khoang hành lý đặt phía trước. Thay vào đó, đây là vị trí của ắc quy, hệ thống điện, bình nước rửa kính cùng dàn tản nhiệt.

Khoang hành lý của xe được đặt ở vị trí truyền thống là phía sau đuôi xe và nằm ngay dưới khoang động cơ. Dù là một siêu xe nhưng M1 vẫn có khoang hành lý với thể tích khá lớn, đặc biệt khi xét tới việc xe được trang bị động cơ đặt dọc.

Cung cấp sức mạnh cho M1 Procar vẫn là khối động cơ 6 xi-lanh thẳng hàng DOHC nạp khí tự nhiên 3.5l, được chia sẻ chung với M5 thế hệ đầu tiên. Vốn đã có những cải tiến để tăng sức mạnh, tuy nhiên chiếc M1 Procar thứ tự 31 này còn được Canepa nâng cấp với hệ thống phun xăng điện tử Motec để cho công suất tối đa 414 mã lực.

Sức mạnh của xe được truyền tới cầu sau thông qua hộp số sàn 5 cấp ZF. Do không tìm được bộ phanh nguyên bản của M1 Procar nên Canepa đã lựa chọn biện pháp nâng cấp với các heo phanh Brembo từ mẫu xe đua huyền thoại Porsche 962, cùng với đĩa từ Porsche 935.

Vào tháng 11 năm 1979, chiếc M1 Procar số 31 này đã lần đầu tiên được mua bởi một khách hàng người đức. 4 năm sau đó, chiếc xe đã tiếp tục rơi vào tay chủ mới là một nhà sưu tập người Mỹ. Tháng 3/1984, chiếc xe đã chính thức "đặt chân" tới Mỹ từ Munich. Sau khi tới Mỹ, chiếc xe đã tiếp tục phải trải qua một thời gian dài để chỉnh sửa lại các chi tiết nhằm đủ tiêu chuẩn lưu thông tại Mỹ và được đăng kiểm.

Chính vì vậy, phải tới năm 1985, chiếc M1 Procar mới lần đầu tiên được lưu thông hợp pháp trên đường phố Mỹ. Sau khi trưng bày tại nhiều sự kiện trong cuối thập niên 90, nó đã nằm yên trong một bộ sưu tập cho tới tận tháng 10 năm 2012, khi được hãng phục chế xe cổ Canepa mua lại và phục hồi về đúng cấu hình M1 Procar.

Nhờ đợt phục hồi "từ đầu tới chân" của Canepa, chiếc M1 Procar số thứ tự 31 đã thực sự trở thành chiếc duy nhất trên Thế giới được phép lưu thông ngoài đường công cộng. Giá bán M1 Procar "kịch độc" này không được công bố, tuy nhiên xét tới độ hiếm của nó, chắc chắn chiếc xe sẽ dễ dàng vượt quá mức triệu USD nếu được bán ra.

Tác giả bài viết: Nguyễn Huy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP