Kinh tế

Thuế nước ngọt: Có thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng?

"Nghiên cứu về việc áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát ở 158 quốc gia trên thế giới cho thấy, đây không phải là một xu hướng phổ biến trên thế giới và trong khu vực. Trên thực tế trên thế giới, không có một quốc gia nào sử dụng công cụ chính sách thuế, mà cụ thể là thuế tiêu thụ đặc biệt để thực thi mục tiêu sức khỏe cộng đồng".

Đây là chia sẻ của ông Wayne Barford, Cố vấn cao cấp, Trung tâm Đầu tư và Thuế Quốc tế (ITIC) tại tọa đàm “Xu hướng điều chỉnh chính sách thuế hiện nay trên thế giới - Một số hàm ý cho Việt Nam” do Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức ngày 13/12.

Đánh thuế tiêu thụ với nước ngọt có thể lợi bất cập hại

Đánh thuế nước ngọt không là xu hướng quốc tế

Tại đây ông Wayne đã chia sẻ các thông lệ và kinh nghiệm thực tiễn từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ủy ban châu Âu (EC) về các sắc thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên...

Hiện Bộ Tài chính đã và đang xây dựng, đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, dư luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 05 Luật thuế, gồm Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, trong đó có việc bổ sung nước ngọt vào nhóm các đối tượng chịu thuế TTĐB...

Theo cơ quan soạn thảo, mục đích của đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt hướng đến hai mục tiêu, một là định hướng hành vi của người tiêu dùng, và hai là áp dụng thuế này theo nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế hiện hành.

Bình luận về bản dự thảo hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều, ông Wayne Barford cho rằng: Nghiên cứu về việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát ở 158 quốc gia trên thế giới cho thấy, đây không phải là một xu hướng phổ biến trên thế giới và trong khu vực.

Chuyên gia Wayne Barford, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đầu tư và Thuế quốc tế

"Trên thực tế trên thế giới, không có một quốc gia nào sử dụng công cụ chính sách thuế, mà cụ thể là thuế tiêu thụ đặc biệt để thực thi mục tiêu sức khỏe cộng đồng", vị chuyên gia nói.

Lấy ví dụ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Wayne cho biết: Hiện chỉ có bốn quốc gia áp dụng chính sách thuế này, gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Brunei.

Ngay cả những nước phát triển và có tỷ lệ béo phì cao trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Newzealand ... cũng không áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, do hiệu quả của chính sách thuế này trong việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng chưa được chứng minh ở bất kỳ quốc gia nào. Nhiều quốc gia đã từng áp dụng các loại thuế tương tự nhưng sau đó phải bãi bỏ, ví dụ như Argentina, Đan Mạch, Indonesisa, Nam Phi, Pakistan, ...

Ông Wayne cho rằng: Nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC) vào năm 2014 về hiệu quả của thuế “chất béo” tại Phần Lan, Pháp, Hà Lan và Hungary cũng chỉ ra những hệ lụy của sắc thuế này, như tăng chi phí hành chính, giảm công ăn việc làm, tăng giá cả của thực phẩm, và không có một tác động rõ rệt trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng khi áp dụng sắc thuế này.

Đánh thuế tiêu thụ: Khiến “lợi bất cập hại”

Lượng đường đến từ nước ngọt so với lượng đường trung bình một cá nhân hấp thụ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, so với tỷ lệ đến từ các nguồn thực phẩm khác. Nước ngọt mà một người có thể tiêu thụ nhất định trong một ngày là rất thấp. Muốn giảm lượng đường tiêu thụ phải tính đến tất cả các sản phẩm có chứa đường chứ không chỉ là đồ uống.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ béo phì của dân số Malaysia là 44.2%, lớn nhất Đông Nam Á, tuy nhiên, Malaysia không áp dụng thuế đối với nước ngọt. Thái Lan, mặc dù đã có sắc thuế đánh lên nước ngọt trong 32 năm qua, nhưng vẫn có tỷ lệ dân số béo phì là 32.2%, lớn thứ 2 Đông Nam Á.

Điều này cho thấy, nước ngọt không phải là nguyên nhân dẫn đến béo phì, và việc áp thuế lên nước ngọt không đảm bảo giảm béo phì. Chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào chứng minh tác động của thuế đối với việc giảm tỷ lệ béo phì.

Ông Wayne khuyến nghị: “Thay vì áp thuế đối với nước ngọt, Chính phủ nên tập trung vào các hoạt động tuyên truyền về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, năng động, cũng như thực hiện các chương trình giáo dục về thể chất và luyện tập thể dục, thể thao. Đây chính là những giải pháp bền vững về các vấn đề sức khỏe cộng đồng”.

Biểu đồ tỷ lệ béo phì ASEAN của WHO

Đồng tình với chia sẻ của Luật sư Sesto Vechi, công ty luật Russin & Vecchi Vietnam cho rằng: “Cần cân nhắc kỹ lưỡng cái được và mất của việc tăng một sắc thuế mới. Khi cân nhắc tác động của thuế thì cũng cần phải so sánh lợi ích thu được từ việc đánh thuế nước ngọt so với chi phí bị mất đi từ việc giảm nguồn thu thuế doanh nghiệp, và việc được – mất này có hợp lý không so với mục đích, kỳ vọng khi áp thuế”.

Ông Wayne giải thích: Mục tiêu của thuế TTĐB là điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, từ đó, giảm sức tiêu thụ của mặt hàng áp thuế. Nếu giảm tiêu thụ thì sản lượng giảm, dẫn đến doanh số giảm, thuế từ thu nhập doanh nghiệp giảm. Mặt khác, việc giảm quy mô sản xuất dẫn đến việc thu hẹp, cắt giảm việc làm. Thực tế đã chứng minh những cái giá phải đánh đổi để đạt được kỳ vọng tăng thu ngân sách khi áp dụng với nước ngọt.

Đối với mục tiêu sức khỏe được chứng minh là đã thất bại, do đến nay, chưa có quốc gia nào thành công khi áp thuế nước ngọt mà giảm tỷ lệ béo phì. Vậy nên, chúng ta cần cân nhắc chi phí của việc áp thuế nước ngọt, đối với lợi ích kỳ vọng mà chúng ta thu được.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP