Tin địa phương

Thực phẩm “âm thầm” nhiễm độc chì từ giấy gói

Lâu nay, giấy báo, giấy in được nhiều người tận dụng để gói các loại đồ ăn như: bánh mỳ, bánh bao, quẩy, khoai tây chiên... Ẩn chứa đằng sau sự tiện dụng ấy lại là những tác hại khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng. Trước hết, phải kể đến các loại hóa chất có trong mực in, trong đó có chì.

Đa số mọi người đều mua bánh mỳ được gói bằng giấy báo để sử dụng mà không hề biết đến tác hại của nó.

Độc chì từ giấy gói

Ghé vào một tiệm bánh mỳ ven đường, tôi được chị chủ tiệm hồ hởi chào mời. Cầm ổ bánh mỳ được gói bằng một tờ giấy in đã qua sử dụng trên tay, tôi thắc mắc, giấy gói bánh mỳ có đảm bảo vệ sinh không? Chị chủ tiệm nói cứ yên tâm, giấy sạch, mới rọc từ mớ tài liệu đã qua sử dụng của con. Chị bán ở đây cả chục năm rồi, chưa thấy ai bị đau bụng hay ngộ độc vì… giấy gói.

Trên thực tế, đa số các tiệm buôn bán hàng quán ăn uống đều sửa dụng các loại giấy báo, giấy in cũ để bao, gói thực phẩm cho khách hàng mà không hề biết đến tác hại của nó đối với sức sức khỏe. Nhiều người bán hàng vừa vớt thực phẩm ra khỏi chảo dầu mỡ nóng, ngay lập tức đưa vào giấy báo để làm nguội, hút dầu mỡ… Sử dụng các loại giấy đã qua sử dụng này giúp tiết kiệm một khoản chi phí cho người bán hàng so với mua các loại hộp đựng thực phẩm an toàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thành phần chính của giấy báo là các tạp chất, hóa chất tổng hợp. Cùng với đó là loại mực dùng để in giấy báo cần phải có độ bám dính cao, trong đó nó có thành phần chì rất nặng. Việc tận dụng chúng để bao gói thực phẩm, nhất là thực phẩm chín thì vô cùng nguy hại, vì hàm lượng muối chì trong giấy in dễ hòa tan vào trong dung môi nước hay chất béo (dầu, mỡ).

Trong quá trình gói thực phẩm, mực in sẽ hòa vào trong thực phẩm, khi chì được đưa vào cơ thể chúng ta sẽ được các cơ quan như gan, thận, biểu mô mỡ tích trữ lại và gây hại cho người dùng. Sử dụng thức ăn chín được bao gói bằng loại giấy này lại càng nguy hại, người tiêu dùng tự “rước” chất độc (chì) vào cơ thể mà không hề hay biết.

Ngoài ra, trước khi được dùng để bao, gói thức ăn, các loại giấy, báo đã trải qua nhiều quá trình mới đến tay bạn đọc rồi người thu gom và có thể được đưa đến chỗ tiêu thụ phế liệu. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển nên chắc chắn sẽ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi dùng để bao gói thức ăn…

Tuy nhiên, đa số người dân không biết về những thông tin này hoặc không nhận ra sự ảnh hưởng đối với sức khỏe tức thì nên nhiều người dù biết nguy hiểm vẫn sử dụng thực phẩm gói bằng giấy báo. Không chỉ vậy, nhiều người vì lo sợ gói thức ăn bằng bao nilon nguy hại cho sức khỏe nên mới dùng giấy báo để thay thế vì họ nghĩ rằng giấy báo thì an toàn hơn.

Tuy nhiên, những tờ giấy tưởng chừng vô hại này lại khiến người sử dụng bị nhiễm độc nặng nề… Khi được hỏi về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và nguy cơ mắc bệnh từ các loại giấy báo, giấy in, nhiều người trả lời thản nhiên rằng mình không để ý, không có vấn đề gì, không biết hoặc không quan tâm. Anh Đặng Quang Trung (trú H. Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ: “Trước giờ tôi đều sử dụng giấy báo cũ để gói đồ ăn.

Với lại ra hàng quán họ cũng dùng giấy cũ để gói thực phẩm cho mình đấy thôi. Tôi thấy vẫn bình thường, mà có ảnh hưởng chi thì chắc cũng không sao”. Còn bạn Nguyễn Thu Phương (sinh viên trường Cao đẳng Phương Đông) cho biết: “Rất nhiều người vẫn sử dụng giấy in, giấy báo cũ hàng ngày để gói thức ăn, nhưng không thấy ai bị làm sao cả”.

Trao đổi về vấn đề này, bác sỹ Ngô Tuyết Ngọc, Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, cho biết: Khi ăn bánh mỳ hay các loại thực phẩm được gói bằng giấy in, chúng ta không bị ngộ độc tức thời, nhưng có thể ngấm dần vào cơ thể và chỉ khi đến giới hạn thì nó mới bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây cũng là lý do khiến nhiều người không thấy được tác hại của việc này, nên vẫn vô tư sử dụng giấy báo để gói thức ăn.

Do vậy, người bán hàng cần phải sử dụng những loại giấy gói thực phẩm được cơ quan chức năng quy định sử dụng trong thực phẩm hoặc sử dụng một số loại lá cây trồng có sẵn để bao gói thực phẩm như lá chuối, lá sen, lá dong, cách này vừa an toàn vừa thân thiện với môi trường. Các loại lá này có mùi thơm đặc trưng, mềm, bề mặt trơn nên ít bám bụi và không giữ nước, do đó, chỉ cần rửa qua, làm sạch là có thể dùng để bao gói thực phẩm, rất an toàn.

Tác giả: Thanh Hoa

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

  Từ khóa: ăn , nhiễm độc , giấy , bánh mỳ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP