Sáng nay (14/8), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Ông Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác đã đưa ra 6 vấn đề cần làm rõ và yêu cầu đường sắt cần thực sự đổi mới, thay đổi căn bản ngành vận tải này.
Ngành rất quan trọng nhưng đóng góp rất ít!
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt 6 vấn đề Thủ tướng nhắc nhở ĐSVN, bao gồm: Tình hình sản xuất kinh doanh và công tác quản trị; vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động; kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, triển khai xã hội hóa các dịch vụ hạ tầng; đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có; công tác tổ chức, quản lý và thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo các đường ngang; vấn đề cổ phần hóa.
Nhìn nhận về ngành vận tải có “tuổi đời” 135 năm này, ông Mai Tiến Dũng cho biết: “Từ những năm 80 đến nay hạ tầng đường sắt không có thay đổi gì. Tôi có cảm giác ngành đường sắt thấy mình có 1 đường độc đạo, không ai cạnh tranh nên tư tưởng bao cấp vẫn nhiều hơn là tư tưởng thị trường, vì thế không chịu thay đổi gì”.
Ông Mai Tiến Dũng (áo trắng) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với ĐSVN sáng 14/8 |
Ông Dũng cho rằng, nếu ĐSVN không làm tốt công tác quản trị thì đầu tư nữa cũng không phát triển được, ở đây phải đặt vấn đề về tư duy. “Các anh phải nhóm lửa lên, mạnh dạn tỏ chức lại sản xuất…” - ông Dũng nói.
Trong thời điểm hiện nay, có thể nói với hành khách, đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác từ chất lượng, an toàn, thị phần giảm dần qua các năm. Hạ tầng đầu tư từ Bắc tới Nam nhưng rất lâu đời, các vấn đề khổ đường sắt, chất lượng hạ tầng, toa xe… còn ít được quan tâm.
“Thủ tướng cho rằng, có vẻ tư tưởng bao cấp vẫn còn đè nén trong ngành đường sắt thời kinh tế thị trường và nhắc các anh suy nghĩ thêm!” - ông Mai Tiến Dũng cho hay.
Cùng đó, Tổ trưởng Tổ công tác cũng nói tới nhắc nhở của Thủ tướng về vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động. Đặc biệt là các vụ tai nạn đường sắt xảy ra gần đây tại ga Yên Viên, Hà Nội và sự cố điều hành hai đoàn tàu vào cùng một đường ở ga Suối Vận (tỉnh Bình Thuận). Các vụ việc này tuy không gây thiệt hại lớn nhưng cho thấy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người lao động ngành đường sắt chưa tốt.
Vì sao khách “bỏ” đường sắt?
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên ĐSVN - cho biết, hiện nay, hệ thống đường sắt do ĐSVN quản lý dài hơn 3.000 km đi qua 34 địa phương, ngành có 2.800 cán bộ công nhân viên. Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty là 6.500 tỷ đồng.
Vệ sinh ngoại thất của tàu |
“Ngành kinh tế vẫn cần đường sắt, nhưng chi phí đầu tư đường sắt chỉ có 2%/năm. ĐSVN hiện quản lý hơn 3.000 km, đa phần hạ tầng lạc hậu, kinh phí đầu tư không có. ĐSVN có 1.000 toa xe khách, gần 5.000 toa xe hàng hoá với tuổi thọ 30 năm, toa tàu mới nhất là 14 năm. Theo tính toán phải 70 năm nữa mới quay vòng được. ĐSVN đặt mục tiêu đến năm 2020 - 2021 sẽ thay toàn bộ toa xe cũ” - ông Minh nói.
Người đứng đầu ĐSVN khẳng định, thị phần của ngành suy giảm liên tục, sản lượng vận chuyển giữ nguyên, đường sắt bị giới hạn bởi kết cấu hạ tầng. Lí do là các phương thức vận tải khác tăng lên như đường bộ, hàng không, đường biển.
Đề cập tới nguyên nhân hành khách “bỏ” đường sắt, ông Vũ Anh Minh thừa nhận: “Khách bỏ đường sắt là do chất lượng dịch vụ, mà dịch vụ ở đây chính là chất lượng vệ sinh. Để cứu vãn tình hình này, chúng tôi áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng vệ sinh tàu ở cả 2 đầu ga, vệ sinh nội thất và ngoại thất”.
Theo ông Chủ tịch ĐSVN, thế mạnh của đường sắt là cự ly trung bình, nếu chạy đường dài là thất bại. Ông Minh dẫn chứng về chuyến tàu 700 người mà chỉ có 15 người đi suốt Bắc – Nam thì hoạt động kinh doanh không thể lãi được, vì thế phải tập trung vào cự ly trung bình và nâng cao chất lượng dịch vụ, tàu đẹp - giờ đẹp.
Lãnh đạo ngành đường sắt khẳng định việc khách "bỏ" đường sắt là do chất lượng dịch vụ chưa tốt. |
Xã hội hoá ngành đường sắt dường như cũng không khiến doanh nghiệp mặn mà, bằng chứng là nhiều đơn vị “ngó” tới đường sắt rồi lại âm thầm quay đi.
Ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc ĐSVN - cho biết, Vingroup tiến hành khảo sát ngành đường sắt 6 tháng trước khi tham gia đầu tư, nhưng qua hơn 1,5 năm, Vingroup trả lời “vẫn chưa tính ra”.
Đối với doanh nghiệp nước ngoài, theo Tổng Giám đốc ĐSVN, khi kêu gọi đầu tư doanh nghiệp có thiện chí với công nghiệp đường sắt tại Việt Nam, nhưng họ nêu quan điểm “nếu họ được chi phối ngành đường sắt thì sẽ đầu tư, còn có sự chi phối của Nhà nước thì sẽ không tham gia đầu tư”.