Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu (ĐB) quốc hội Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM) về vấn đề giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua dư luận đặt câu hỏi về một số người sau khi phạm tội có bệnh án tâm thần. Ảnh: internet |
Theo đó, trong văn bản chất vấn gửi Chính phủ, ĐB Phan Thị Bình Thuận, cho biết rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) về vấn đề giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Nhiều vụ làm giả giấy tờ
“Nhưng tôi nhận thấy vấn đề không chỉ dừng ở đây mà hiện nay tình trạng giả mạo hiện diện, tồn tại trong nhiều lĩnh vực, thật giả lẫn lộn, ví như giả mạo chủ thể, giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, bằng cấp... để thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, kinh tế, thương mại; giả hồ sơ để trục lợi chính sách; giả con dấu, thẻ tín dụng; thuốc giả, phân bón giả, rượu giả... tràn lan…”, ĐB Phan Thị Bình Thuận dẫn chứng.
Vấn nạn này theo ĐB Phan Thị Bình Thuận là gây bức xúc, bất an, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây mất niềm tin giữa người với người, gây thiệt hại cho Nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng như giá trị về đạo đức.
“Vì vậy, tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp quyết liệt nào để ngăn chặn và xử lý nghiêm vấn nạn rất đáng báo động này…”, vị ĐB đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ thừa nhận những hành vi làm giả phân bón, rượu, làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần... gây bức xúc dư luận.
Điển hình như vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm làm giả con dấu của cơ quan tổ chức, làm giả chữ ký của các cá nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng gần 4.000 tỉ đồng. Vụ Hà Thanh Tuấn ở Tri Tôn (An Giang) làm giả 16 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số giấy tờ khác để thế chấp ngân hàng, vay tiền chiếm đoạt 5,4 tỉ đồng.
Đặc biệt, vụ làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cơ quan điều tra đã bắt 3 người, tiếp tục xác minh làm rõ 94 đối tượng có dấu hiệu nghi vấn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.
Theo Thủ tướng, đây là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải bị lên án mạnh mẽ, các cơ quan tư pháp đã điều tra và đưa ra xét xử nhiều vụ án với bản án nghiêm minh.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra đã xử lý vi phạm đối với nhiều tổ chức, cá nhân có các vi phạm liên quan.
Khởi tố hàng loạt vụ án
Cụ thể, từ năm 2013 cho đến nay, Bộ Công an phát hiện 774 vụ, khởi tố 182 vụ/530 bị can, thu giữ 3.247 con dấu, hàng chục nghìn văn bằng, chứng chỉ giả và nhiều tang vật có liên quan. Đồng thời, tham mưu kiến nghị các cơ quan, ban, ngành chức năng xử phạt hành chính 243 trường hợp, xử lý kỷ luật 708 trường hợp, hiện đang tiếp tục điều tra, xác minh 27 vụ/1895 trường hợp.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường xử lý 289.926 vụ vi phạm về gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có 29.623 vụ vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Từ năm 2013 đến ngày 30-8, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng phát hiện, xử lý 4.931 người làm giả hồ sơ để hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công (chủ yếu thuộc các đối tượng chính sách là thương binh, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học) số tiền phải thu hồi 404,6 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 69,3 tỉ đồng...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên theo Thủ tướng Chính phủ là do ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa tốt, vì hám lợi dẫn đến vi phạm pháp luật. Một số cán bộ công tác trong các cơ quan nhà nước sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để hợp thức tiêu chuẩn về bằng cấp...
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xử lý các hành vi giả mạo. Phối hợp với TAND, VKSND tối cao ban hành hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định các tội về giả mạo, hàng giả và một số tội phạm có liên quan.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường phát hiện, đấu tranh với hoạt động sản xuất, quảng cáo, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, thẻ tín dụng giả, sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, phân bón giả... xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Bộ Y tế kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế có liên quan đến chuyên môn, hướng dẫn điều trị, quy trình kỹ thuật liên quan đến khám, chữa bệnh tâm thần, giám định tâm thần, giám định y khoa, quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh...
Tác giả: VIẾT LONG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM