Kinh tế

Thủ tướng 'thúc' sớm phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại. Bộ KH&ĐT kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước 15/8/2024.

Trưa 5/8, phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, nhấn mạnh thêm một số nội dung về công tác chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm.

Thủ tướng đánh giá cao các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã nỗ lực, cố gắng, các cơ quan trong hệ thống chính trị đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức.

Thời gian tới, Thủ tướng dự báo bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao hơn, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024. Ảnh: Nhật Bắc.



Thủ tướng: Khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công
Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý theo các báo cáo, ý kiến phát biểu và nhấn mạnh 12 nội dung trọng tâm.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền bám sát tình hình, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo...

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.

Về chính sách tiền tệ, NHNN tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Về chính sách tài khoá, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và các cơ quan liên quan tập trung bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Trong đó đặc biệt lưu ý dứt khoát không bố trí dàn trải; chi đầu tư ngân sách Trung ương tập trung cho các công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia, công trình có tính liên vùng, kết nối quốc tế.

Đồng thời tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc.

Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm đạt 13 kết quả nổi bật. Ảnh: Nhật Bắc.

Có cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ như chip bán dẫn, AI…).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo đột phá trong các lĩnh vực này; trong đó lưu ý xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển kinh tế xanh (thị trường tín dụng xanh, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn…) ; nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip bán dẫn, AI.... Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Ông Phạm Minh chính chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia (nhất là dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, tổ chức khánh thành trong dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9); hệ thống đường bộ cao tốc (phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km).

"Khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước 15/8/2024", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài; chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân;

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án chuyển đổi số kết nối với Đề án 06 ngay trong tháng 8/2024.

Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, truyền thông,

Tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng...

Tác giả: BẢO LÂM

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP