Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018. |
Sáng 1/7, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, Thái Nguyên trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 50 dự án với tổng số vốn khoảng 46.700 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tự kinh tế, xã hội của tỉnh đạt được thời gian qua và cho rằng, chưa bao giờ Thái Nguyên đứng trước cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế như hiện nay.
Tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm qua của Thái Nguyên khá ấn tượng 13-14%, thu nhập bình quân tăng trên 30%, thu ngân sách trên 1,7 lần so với năm ngoái. Cùng với tăng trưởng, địa phương vẫn coi trọng việc bảo vệ môi trường, với tỷ lệ che phủ rừng trên 50%, hộ nghèo giảm 2% mỗi năm.
Theo Thủ tướng, Thái Nguyên có hệ thống giao thông, hạ tầng khá đồng bộ, kết nối các trung tâm công nghiệp, cụm công nghiệp lớn của miền Bắc. “Đi sân bay chưa đến 30 phút, đi Trung tâm Hà Nội chưa đến 1 tiếng, đó là một lợi thế ít tỉnh có được như Thái Nguyên”- Thủ tướng nói.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho biết Thái Nguyên có nhiều tiến bộ, khi là một một trong 3 tỉnh trên toàn quốc có chỉ số hài lòng của người dân tốt. Tỉnh cũng đang phấn đấu chậm nhất đến năm 2019, là tỉnh tự cân đối được ngân sách, không cần trợ cấp của Trung ương.
“Tôi có một dự báo, Thái Nguyên có thể trở thành một cực tăng trưởng mới của miền phía Bắc, có thể của cả nước, trên cơ sở tiềm năng lợi thế, thời cơ mới”.
Thủ tướng cùng các đại biểu thăm gian hàng trưng bài bên lề hội nghị |
Theo Thủ tướng, Thái Nguyên có ưu thế vị trí địa lý, nằm trong vùng chiến lược Thủ đô, hạ tầng thuận lợi, tỉnh năng động nhờ kết hợp giữa đầu tư FDI và đầu tư trong nước. Đặc biệt, là có nhiều khoáng sản chủng loại quý, như than, ti tan, vàng, đồng, vonfram…
Đặc biệt, vonfram do Tập đoàn Masan đang đầu tư hiện đứng thứ nhì thế giới, chiếm thị phần 36% toàn cầu. Đây là cơ sở xây dựng công nghiêp khai khoáng, chế biến sâu, phục phụ cho phát triển đất nước và xuất khẩu.
Thái Nguyên đi đầu trong việc xây dựng cụm công nghiệp điển tử, vươn ra thị trường toàn cầu, trong đó Samsung đóng vai trò chủ đạo, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 15 lần trong vòng năm qua. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 245 triệu USD, năm 2013 lên 25,3 tỷ USD năm 2017, tạo cơ hội lực hút lớn với DN nội địa.
Nói về lợi thế nông, lâm nghiệp, Thủ tướng cho rằng, “Chè Thái” là thương hiệu nổi tiếng bao đời nay, đúng như câu ca dao: Thái Nguyên đệ nhất danh trà/nước xanh như cốm đậm đà tình quê.
“Tất cả chỉ là tiềm năng, dự báo hôm nay, chỉ là giấc mơ nếu chúng ta không có tầm nhìn đúng và có giải pháp, biện pháp hiệu quả”, do vậy, Thủ tướng đề nghị Thái Nguyên cần xác định cho mình một tầm nhìn đủ lớn, đủ sâu, rộng cho phát triển dựa trên bốn định hướng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải khát vọng và “nói là phải làm”
Tuy đánh giá cao về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý Thái Nguyên về chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số thời gian và cạnh tranh bình đẳng có xu hướng giảm. Đây là những rào cản lớn với việc phát triển các DN, doanh nhân.
“Ở Thái Nguyên, khảo sát cho thấy, có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được triển khai ở cấp sở, cấp ngành. Nhắc lại câu “trên nóng, dưới lạnh”, “trên rải thảm, dưới rải đinh”, Thủ tướng yêu cầu Thái Nguyên cần chuyển biến thật sự từ cơ cơ sở, chính quyền các cấp. Đó là tinh thần “ba đồng hành, năm hỗ trợ”, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN…rất quan trọng, nhất là DN ở nông thôn, thanh niên, lớp trẻ.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 50 dự án với tổng số vốn khoảng 46.700 tỷ đồng. |
Theo Thủ tướng, không có một kế hoạch chiến lược nào thành công nếu thiếu đi khát vọng và nỗ lực hành động từ lãnh đạo các cấp và doanh nghiệp.
“Chúng ta nói đến Gang thép Thái Nguyên xây dựng từ năm 1959, qua nhiều thời kỳ nhất là thời gian gần đây, không những không phát triển tốt, mà còn để lại những hậu quả mà phải lưu ý, giải quyết. Trong khi đó, Posco của Hàn Quốc ra đời sau, nhưng họ đã vươn thành Tập đoàn thép hàng đầu thế giới. Vì sao? Có phải do là ý chí và hành động của chúng ta không?... Hay Tập đoàn Samsung mới vào Việt Nam, nhưng đã công nhận trong hệ thống các nhà máy Samsung, vì sao?”.
Nhắc về đặc sản “Chè Thái Nguyên” tuyệt vời về thổ nhưỡng, chất lượng, nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra việc chưa xác lập được thương hiệu, hình ảnh, chỉ dẫn vị trí địa lý, và có thương hiệu vươn ra toàn cầu. “Chè không chỉ là để uống bình thường mà còn là nguồn dinh dưỡng quý báu, bổ dưỡng cho người Việt Nam, tại sao lại không”.
Nói đến việc cấp 50 giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn đăng ký tới khoảng 2 tỷ USD, Thủ tướng nhấn mạnh: “Lời hứa, lời nói đi đôi với việc làm, có khi giấy phép trao hoành tráng, có khi việc làm chậm trễ, không triển khai”.
Thủ tướng cũng lưu ý, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất ở Thái Nguyên và trên cả nước. “Muốn thành công, tham gia chuỗi giá trị khu vực, quốc gia, toàn cầu đang đặt ra trong phát triển với DN. Tôi mong các nhà đầu thực thi cái này.”- Thử tướng lưu ý.
Theo Thủ tướng, Chính phủ luôn rõ ràng về mục tiêu giữ gìn môi trường đầu tư cho DN và tiếp theo là bảo vệ các nhà đầu tư, quyền lợi nhà đầu tư, quyền tài sản, quyền công dân, sự bình đẳng sản xuất kinh doanh.
Về phát triển hạ tầng và đi lại của người dân, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã đồng mua 100 máy bay, để tạo điều kiện đi lại và vận chuyển hàng hóa, trong đó Tập đoàn FLC mua 44 máy bay. Chính phủ cũng đồng ý đầu tư vào Thái Nguyên với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới 100 triệu USD để phát triển Thái Nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên – ông Vũ Hồng Bắc cho biết: Thái Nguyên được quy hoạch trong vùng Thủ đô Hà Nội, với vị trí địa lý, kinh tế, chính trị quan trọng cùng hệ thống giao thông thuận lợi, là tỉnh có vai trò gắn kết vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc bộ và có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong thu hút đầu tư. Theo ông Bắc, nổi tiếng với vùng chè đặc sản đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam, Thái Nguyên có diện tích trồng chè và sản lượng chè xanh lớn nhất Việt Nam. Thái Nguyên là địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp luyện kim, công nghiệp khai khoáng với nguồn tài nguyên phong phú: trữ lượng Florit đứng đầu thế giới, Vonfram đứng thứ hai thế giới, than đứng thứ hai cả nước, ngoài ra còn có sắt, thiếc, chì, kẽm, vàng, đồng, titan… và các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đều có trữ lượng cao. Thái Nguyên còn là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn thứ ba của cả nước. Đây cũng là địa phương “Thủ đô kháng chiến”, Thái Nguyên có nhiều điểm di tích lịch sử, nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng cả ở trong nước và quốc tế như An toàn khu Việt Bắc, hồ Núi Cốc, khu di tích Vua Lý Nam Đế... Theo lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, những năm gần đây, Thái Nguyên liên tục được xếp trong nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số cải cách hành chính. Qua đó đã phản ánh sự nỗ lực, quyết tâm, một sự khẳng định mạnh mẽ của tỉnh Thái Nguyên trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều hành kinh tế và cải cách hành chính để thúc đẩy DN phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số trên 6.100 DN, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, với 900 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. “Với phương châm đồng hành cùng cộng đồng DN, doanh nhân, tỉnh Thái Nguyên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các tập đoàn có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng”- ông Bắc nói. |
Tác giả: PHẠM ANH
Nguồn tin: Báo Tiền phong