Kinh tế

"Thủ tướng "nóng" nhưng nhiều Bộ trưởng, Vụ trưởng, chuyên viên "lạnh" và rất lạnh"

"Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn và chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng "nóng" nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn "lạnh" hay "Bộ trưởng "nóng" nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa "nóng", các chuyên viên còn lạnh, thậm chí rất lạnh…", TS Nguyễn Đình Cung nói.

Đây là khẳng định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tại Hội nghị quốc tế bàn về cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam được tổ chức sáng nay (15/3) tại Hà Nội.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Theo Viện trưởng Cung, mặc dù được thế giới đánh giá tốt về môi trường kinh doanh gần đây song mức độ cải thiện nhiều chỉ số chậm, nhiều chỉ số đang xấu đi, đặc biệt khó cải thiện.

Cụ thể trong các chỉ số đánh giá về độ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khởi sự kinh doanh giai đoạn 2014 - 2017 đang xấu đi.

Ông Cung dẫn chứng, giai đoạn 2014 đến 2017, mặc dù điểm số của chỉ số khởi sự kinh doanh có tăng từ 77,68 điểm (năm 2014) lên 81,23 điểm năm 2015, 81,76 điểm năm 2016 và 82,02 điểm năm 2017, tuy nhiên thứ hạng của Việt Nam đã và đang giảm đi.

Năm 2015, thứ hạng của Việt Nam về khởi sự kinh doanh đứng ở 119 nền kinh tế trong 190 nền kinh tế được đánh giá. Tuy nhiên, năm 2016 thứ hạng này tụt xuống vị tí thứ 121 và năm 2017 tụt xuống vị trí thứ 123.

Ông này nói: "Số lượng thủ tục nhiều, thời gian thực hiện dài, và do vậy thứ hạng Khởi sự kinh doanh thấp và liên tục giảm trong 3 năm gần đây".

Ngoài ra, Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, một số các chỉ số của Việt Nam tăng bậc như: bảo vệ nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tiếp cận điện năng được cải thiện. Tuy nhiên, những cải thiện này không đồng đều và có rất nhiều chỉ số không thay đổi, thậm chí thụt lùi.

Ông Cung nhấn mạnh đến việc giải quyết cho doanh nghiệp phá sản sau nhiều năm vẫn không có nhiều cải thiện. Về điểm số đánh giá, năm 2014 Việt nam được hơn 41 điểm, năm 2015 bắt đầu tụt dốc và năm 2017 tụt xuống chỉ còn 33,16 điểm.

Cùng với điểm số bị đánh tụt, thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số giải quyết phá sản cho doanh nghiệp cũng đứng gần như áp chót.

TS Cung nhấn mạnh: "Giải quyết phá sản DN nhiều năm không có cải thiện, thời gian kéo dài (5 năm), chất lượng quy định pháp lý còn hạn chế (7,5/16 điểm) và ở vị trí cuối bảng xếp hạng. Mặc dù Luật Phá sản 2014 tiếp cận theo thông lệ quốc tế (như quy định về quản tài viên, áp dụng tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn,...), nhưng chủ yếu tập trung vào xử lý phá sản, chưa chú trọng tới phục hồi hoạt động kinh doanh của DN".

Năm 2014, thứ hạng của Việt Nam đứng ở 104/190 nước, năm 2015 là 123/190 nước, năm 2016 là 125/190 nước và năm 2017 là 129/190 nước. Đánh giá thứ hạng của Việt Nam ngày càng đi xuống.

Theo ông Cung, kết quả đạt được là không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, giữa các bộ ngành và địa phương. Các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp mới thực sự chuyển biến.

Ông Cung cho rằng: "Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn và chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng "nóng" nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn "lạnh" hay "Bộ trưởng "nóng" nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa "nóng", các chuyên viên còn lạnh, thậm chí rất lạnh…".

Từ lý do trên, TS Cung cho rằng: "Việt Nam chưa đạt được trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh".

Ông này cho biết: "Số điều kiện kinh doanh bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành. Một số bộ còn gộp số bãi bỏ và sửa đổi để đánh giá hoàn thành mục tiêu; số bãi bỏ thấp xa so với yêu cầu; sửa đổi là chủ yếu. Số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm %; so với mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm %...".

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP