Chiều 18/12, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam – đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị thu hút hơn 500 đại biểu gồm các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tới dự.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch CLB DAA Việt Nam cho biết, Việt Nam là một đất nước với 70% người dân làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp 20% GDP trong khi ở những quốc gia phát triển khác tỉ lệ lao động chỉ chiếm 2-4% dân số nhưng đóng góp đến 40% GDP. Trước con số không mấy hài lòng như đã dẫn chứng trên, ông Bình cho rằng, mọi người dân Việt Nam đều khao khát có cuộc sống sung túc như người dân Bắc Âu.
"Tất cả mọi người Việt Nam đều mang trong mình dòng máu của người nông dân, từ nông thôn, chính vì vậy doanh nghiệp luôn trăn trở với sự nghèo khó, nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Bình nói.
Ông Võ Quan Huy, một nông dân có tiếng về kiếm tiền tỉ tại tỉnh Long An cho rằng nền kinh tế nông nghiệp của nước ta đang còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như cá nhân ông Huy có hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh khác nhau. Tuy nhiên, do vướng quy định về hạn điền nên ông Huy phải nhờ người khác đứng tên. Và hệ quả của việc nhờ người khác đứng tên sở hữu đất nên ông Huy gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Mặt khác, hạn mức giao đất nông nghiệp hiện nay cho cá nhân và hộ gia đình chỉ từ 2 – 30 ha (tùy vùng và mục đích sử dụng) nên rất khó để tích tụ ruộng đất. Trong khi đó, những trang trại đầu tư bài bản, quy mô để có thể hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài phải tối tiểu 100ha mới mang lại hiệu quả.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Nhơn cho rằng, hiện nay, tình trạng gà lậu, gà bệnh, kém chất lượng chưa được kiểm soát nhập tràn lan nên gây khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi trong nước.
Không chỉ than thở về những bất cập trong chính sách về đất đai, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất cũng đang khó khăn khi doanh nghiệp chỉ có thể cầm cố quyền sử dụng đất để vay vốn, còn tài sản gắn liền với quá trình sản xuất nông nghiệp thì không được tính.
Chia sẻ, đồng tình với các doanh nghiệp, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, nông nghiệp Việt Nam nếu không gắn với công nghệ cao thì không thể tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, vấn đề mà đa số các doanh nghiệp nông nghiệp đều đang vướng mắc đó là tiếp cận đất đai và vốn tín dụng đang gặp khó.
Trước "bài toán" về vốn vay mà các doanh nghiệp đặt ra, ông Đào Anh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước giao cho Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Agribank ưu tiên "bơm" cho các hộ cá thể, tư nhân, hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp. Lãi suất của gói 50.000 tỷ đồng này ưu đãi 1,5% so với lãi vay thông thường.
Lắng nghe và chia sẻ cùng các khó khăn của các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, Thủ tướng chính phủ khẳng định sẽ "cởi trói" vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Ngay lập tức, chỉ đạo thêm 5 ngân hàng thương mại lớn thực hiện cho vay vốn ưu đãi lãi suất, tạo điều kiện thông thoáng cho các đối tượng vay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chứ không chỉ Agribank.
Thủ tướng cũng cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước. Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là việc làm bức thiết, nhằm từng bước đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.
"Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp cho Việt Nam trong tương lai", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Công Quang
Nguồn tin: