Bên lề chuyến thăm Canada và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Canada ngày 8/6 tại Québec. Tại sự kiện, Thủ tướng đã giới thiệu về các thành tựu kinh tế của Việt Nam, từ tăng trưởng đến thương mại và đầu tư từ nước ngoài. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tiềm năng phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, với số người dùng điện thoại và Internet thuộc top đầu thế giới.
Tháng 3 vừa qua, Việt Nam và Canada đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thủ tướng cho biết sau khi hiệp định này có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Canada vào Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế, từ cá hồi, thịt bò đến tôm hùm.
Thủ tướng tham gia Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Canada. Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, trong quá trình Việt Nam tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng cho rằng nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada, sẽ có cơ hội trở thành đối tác, cổ đông chiến lược. Ông nhận định hai nền kinh tế có tiềm năng lớn, mang tính bổ trợ hơn là cạnh tranh.
“Chúng tôi nghĩ rằng mức kim ngạch hiện nay trên 6 tỷ USD chưa đáp ứng được yêu cầu và mức 3,5 tỷ USD về đầu tư chưa đáp ứng được năng lực của các nhà đầu tư Canada vào Việt Nam”, Thủ tướng cho biết, “Trong môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi của Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, tôi tin rằng sẽ có sự bùng nổ, làn sóng đầu tư mới của Canada, của Québec vào Việt Nam và sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước”.
Ông Vincent Joli-Coeur - Phó chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Canada cũng đánh giá cao những cải cách của Việt Nam hơn 30 năm qua, đồng thời nhận định lạc quan về kinh tế cũng như cơ hội đầu tư tại Việt Nam. “Trong những nước mà Ngân hàng Quốc gia Canada hiện diện, Việt Nam đứng thứ nhất về sự cởi mở với đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đang hoàn thiện cả về cơ sở hạ tầng lẫn đạo đức kinh doanh”, ông nói.
Tại tọa đàm, Thủ tướng cũng trả lời nhiều câu hỏi của doanh nghiệp, nhà đầu tư Canada. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định với Việt Nam, khối FDI rất quan trọng. Vì vậy, Việt Nam luôn coi trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với 60% là lực lượng lao động trẻ. Vì vậy, việc đào tạo ngoại ngữ cũng sẽ được chú trọng để nâng cao trình độ cho người lao động.
Tác giả: Hà Thu
Nguồn tin: Báo VnExpress