Kinh tế

Thủ tướng: "Không để ăn Tết xong mới bàn đến quý I"

Nhắc nhở tình trạng “xuân thu nhị kỳ” là những tháng đầu năm, tăng trưởng thường chậm hơn, Thủ tướng nhận xét, vấn đề này đã tái diễn nhiều năm vừa qua, dẫn tới những tháng cuối năm phải “vắt chân lên cổ” để đạt mục tiêu.

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, sáng nay (29/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2016.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong tháng 10/2016, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015, tiến gần tới mức lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay.

Thủ tướng lưu ý “phải tính toán vấn đề này để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ chỉ số này không vượt quá chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra”.

nqh 7821 1477724563314
Thủ tướng yêu cầu ngay từ cuộc họp thường kỳ tháng này đã phải bàn những chủ trương lớn để ngay quý I/2017 đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Trong khi đó, tốc độ tăng GDP 9 tháng mới đạt 5,92%, Thủ tướng đôn đốc “phải bàn sâu hơn, kỹ hơn, để có giải pháp bảo đảm tăng trưởng”, đạt mục tiêu đề ra khoảng 6,3-6,5%. Trong đó, lưu ý các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, tài chính, tín dụng, đầu tư…



Chỉ đạo tại cuộc họp này, Thủ tướng nhắc nhở tình trạng “xuân thu nhị kỳ” là những tháng đầu năm, tăng trưởng thường chậm hơn. Vấn đề này tái diễn nhiều năm vừa qua, dẫn tới những tháng cuối năm phải “vắt chân lên cổ” để đạt mục tiêu đề ra.

Do đó, theo yêu cầu của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ “phải bàn những chủ trương lớn để ngay quý I/2017 đạt tốc độ tăng trưởng cao. Phải chủ động ngay từ bây giờ, không để bị động, lúng túng. Không thể để ăn Tết xong mới bàn đến quý I”.

Cũng theo số liệu đưa ra tại cuộc họp, trong tháng 10, cả nước có 10.314 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 81.500 tỷ đồng, tăng 28,2% về số doanh nghiệp và tăng 7,1% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Thủ tướng đánh giá đây là con số "kỷ lục" về số lượng doanh nghiệp mới. Còn trong 10 tháng, con số đăng ký thành lập mới là 91.765 doanh nghiệp. Thủ tướng cho rằng, trong năm nay, tổng số doanh nghiệp thành lập mới sẽ đạt trên 100.000 doanh nghiệp.

Trong 10 tháng năm nay còn có 22.486 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước (10 tháng năm 2015 tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2014), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2016 lên 114.300 doanh nghiệp.

Theo nhận xét của cơ quan thống kê, điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng 9 bậc, đứng thứ 5 trong ASEAN.

Năm nay, Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như tiếp cận điện năng tăng 5 bậc; tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc. Đặc biệt, tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng, 31 bậc.

Thủ tướng cho rằng, đó là kết quả của việc xử lý nghiêm các vụ việc như quán cà phê Xin Chào hay “điện thoại cùi bắp”… Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số chỉ số sụt giảm thứ hạng để có biện pháp khắc phục thời gian tới như tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn…

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP