Kinh tế

Thủ tướng "chưa có ý kiến" về siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná

Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná, Thủ tướng Chính phủ kết luận đây là dự án đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Thủ tướng “chưa có ý kiến về dự án này”.


(Ảnh minh hoạ).

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận ngày 27/8.

Theo đó, trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná, Thủ tướng Chính phủ kết luận đây là dự án đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Thủ tướng “chưa có ý kiến về dự án này”.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cụ thể về tình hình, khả năng dư thừa thép của thế giới và thị trường Việt Nam. Giao Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá công nghệ, thiết bị của nhà máy đảm bảo chắc chắn không gây ô nhiễm môi trường.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, thận trọng, quy định chế tài nghiêm khắc nhất để bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này trên cơ sở xem xét cụ thể các báo cáo trên.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2016, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung và hạn hán kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì ổn định, một số chỉ tiêu đạt khá và tăng so với cùng kỳ năm 2015. Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 5%; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 84,4%; thu ngân sách nhà nước (nội địa) tăng 4%.

Tuy nhiên, Ninh Thuận vẫn là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch đề ra (cả năm tăng 11%); tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản giảm 3,4%; thu nhập bình quân đầu người thấp (đạt 28,8 triệu đồng so với cả nước trên 42 triệu đồng/năm).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Ninh Thuận thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và sức cạnh tranh cao của tỉnh như nho, măng tây, táo, dê, cừu, tôm giống…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận phát huy lợi thế, phát triển du lịch, dịch vụ. Tỉnh có chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, tập trung phát triển hạ tầng du lịch, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các đối tượng, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá.

Tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, năng động, sáng tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp; chú trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thực hiện tốt chính sách người có công, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt đối với các huyện khó khăn, miền núi, có đông đồng bào dân tộc.

Tác giả bài viết: Phương Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP