Trong nước

Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép kinh doanh vũ khí quân dụng

Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giao nhiệm vụ, chấp thuận cho phép kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng quyết định thành lập.

(Ảnh minh họa)

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức thẩm định Tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh quân trang, quân dụng; vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng.

Về thẩm quyền, điều 6 dự thảo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, chấp thuận cho phép kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ, chấp thuận cho phép kinh doanh phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý. Quyết định phê duyệt hợp đồng, đặt hàng, kế hoạch sản xuất, kế hoạch đấu thầu mua sắm hoặc văn bản chấp thuận cho phép sản xuất quân trang, quân dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Dự thảo cũng đưa ra hàng loạt điều kiện mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh như: Có kế hoạch mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc mua, bán, nhập khẩu vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phải căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng phục vụ quốc phòng, an ninh; tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết, thoả thuận quốc tế giữa bên Việt Nam với bên nước ngoài.

Vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; tên nước sản xuất, cơ sở sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu trên từng vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng.

Hoạt động mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quyết định và tuân thủ theo pháp luật về thương mại, độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực thương mại.

Điều kiện kinh doanh quân trang, quân dụng

Điều 9 dự thảo nghị định đã quy định hàng loạt điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quân trang phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trong đó, một trong những điều kiện là có năng lực thiết bị, công nghệ, phương tiện sản xuất, trang thiết bị tiêu chuẩn đo lường đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng quân trang (chất lượng, chất liệu, mẫu mã, quy cách). Có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và lao động kỹ thuật được đào tạo và đáp ứng các yêu cầu về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn.

Doanh nghiệp phải có vốn điều lệ của năm trước liền kề tối thiểu là 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề tối thiểu là 300 tỷ đồng; tình hình tài chính lành mạnh, không nợ thuế Nhà nước trong 3 năm liên tiếp gần nhất.5. Đồng thời có nhà xưởng sản xuất, nhà kho và các khu vực phụ trợ phải được thiết kế xây dựng đủ diện tích bố trí thiết bị dây chuyền sản xuất, cất giữ và phương tiện, thiết bị bảo quản quân trang…

Ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên, doanh nghiệp muốn kinh doanh quân dụng phải có vốn điều lệ tối thiểu là 45 tỷ đồng; có hợp đồng giữa doanh nghiệp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và được cấp có thẩm quyền phê duyệt và bảo đảm bí mật thông tin theo quy định.

Chỉ định, đấu thầu hạn chế

Về phương thức hoạt động kinh doanh quân trang, quân dụng; vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao và dịch vụ chuyển giao công nghệ chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Bộ Tài chính đã đề nghị bổ sung phương thức “đấu thầu” để đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật doanh nghiệp và Nghị định số 130/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Trong tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Quốc phòng đã tiếp thu và chỉnh lý trong dự thảo như sau: “Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quân trang, quân dụng; vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo một trong hai phương thức sau: 1. Thực hiện theo đặt hàng, hợp đồng và đấu thầu (đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu) giữa doanh nghiệp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 2. Thực hiện quyết định hoặc văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật".

Về phương thức “đấu thầu”, Bộ Quốc phòng đề xuất hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu do việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất quân trang, vũ khí quân dụng trang thiết bị chuyên dùng cho quân sự, công an thuộc phạm vi bí mật của nhà nước (số lượng, tính năng kỹ, chiến thuật).

“Việc đề xuất chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế là phù hợp với các quy định tại Điều 21 và Điều 22 Luật đấu thầu”- Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP