Mức thu tiền học thêm trong nhà trường là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường
Tính tới thời điểm hiện tại (ngày 5/10/2024), quy định về việc dạy thêm, học thêm đang được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Trong thông tư, Điều 7 nêu rõ việc thu và quản lý tiền học thêm trong và ngoài nhà trường.
Theo đó, đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, việc thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
Còn với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.
Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.
Mức thu tiền học thêm trong trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Ảnh minh họa |
Theo Điều 19 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, hiệu trưởng và thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ngày 26/8/2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT, chính thức công bố việc hết hiệu lực của một số Điều khoản thuộc Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Theo đó không cho phép giáo viên được dạy thêm tại nhà, mà chỉ được dạy thêm trong nhà trường.
Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Dự thảo Thông tư mới thay đổi quy định về dạy thêm, học thêm?
Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng, lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư mới quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm (nếu được thông qua sẽ thay thế cho Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT hiện hành; thời hạn lấy ý kiến hết ngày 22/10/2024).
Nếu theo hướng dự thảo thông tư mới này đang xây dựng, quy định thu và quản lý tiền học thêm sẽ được điều chỉnh như sau:
- Mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
- Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
- Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng, lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư mới quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm. Ảnh minh họa |
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, thông tin về việc xây dựng Thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường dự thảo đang xin ý kiến hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch; cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của cả người dạy và người học.
Dự thảo đã đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin gì, báo cáo ra sao khi tổ chức dạy thêm, học thêm.
Ngoài ra, dự thảo cũng thêm vào nguyên tắc "Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh" tránh hiện tượng gây bức xúc lâu nay, học sinh nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại.
Việc giám sát dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương, còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh, phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường, yêu cầu quan trọng nhất là phải công khai trước khi tổ chức. Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp.
Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - bày tỏ quan ngại trên báo Lao Động khi cho rằng dự thảo Thông tư mới của Bộ GD&ĐT đã nới lỏng quy định về dạy thêm, học thêm.
"Thay vì nghĩ đến việc nới lỏng học thêm, Bộ GD&ĐT cần tập huấn cho giáo viên cách hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm hiểu và khám phá. Học tập chủ động chính là 1 cách rèn luyện tính tự chủ cho học sinh. Đây là kĩ năng còn thiếu trong giới học sinh Việt Nam", TS Vũ Thu Hương đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng bày tỏ trăn trở kể cả khi có thông tư mới (Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo) thay thế Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm, bởi những điều căn cốt nhất của việc dạy thêm, học thêm vẫn chưa thể quản lý được.
"Mối quan hệ dạy thêm và học thêm không chỉ ở mục đích hướng đến phát triển người học mà thực tế còn cả lợi ích kinh tế và nhiều ràng buộc khác. Vì vậy, chắc chắn việc này sẽ rất khó quản lý”, Vietnamnet dẫn lời bà Thơ cho biết.
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn