Về Nghi Thuận một ngày đầu đông, đi qua các cánh đồng làng từ xóm 1 đến xóm 11, nổi bật là màu xanh của những ruộng mướp đắng đang kỳ thu hoạch quả. Lãnh đạo xã Nghi Thuận cho biết ở vùng này, đa số hộ dân đều tham gia trồng cây mướp đắng. Hộ trồng ít một sào, hộ nhiều thì 2,5 đến 3 sào.
Trồng mướp đắng ở xã Nghi Thuận
Mặc dù đã gần cuối vụ, song phần lớn mướp đắng ở đây vẫn tốt tươi. Trên nhiều ruộng mướp, các hộ dân đang thu hái quả. Mướp bẻ chưa xong, lái buôn đã chờ trên bờ ruộng để thu mua. Ông Nguyễn Văn Loan – một hộ dân trồng mướp đắng ở xóm 4 cho biết năm nào gia đình cũng trồng rau đông, không chỉ dành cho sinh hoạt gia đình mà còn có thêm một phần thu nhập để trang trải cuộc sống: Gia đình tôi năm nay làm 4 sào mướp đắng thay làm lúa. Và từ cây trồng này cho thu nhập gấp 10 lần trồng lúa.
Nông dân Nghi Thuận chuyển đổi 20ha lúa sang trồng rau
Theo các hộ dân, năm nay do thời tiết khắc nghiệt nên giá mướp đắng tăng hơn năm ngoái. Những diện tích trồng sớm đều cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng trên 1 héc ta. Mướp đắng trồng không khó. Chỉ cần tiêu thoát nước tốt và đầu tư phân bón cân đối, làm giàn chu đáo thì mướp sẽ sai quả và thời gian thu hoạch được lâu.
Cùng với mướp đắng, vụ đông này Nghi Thuận còn có tiếng với cây hành tăm và cải xanh. Thời gian này, trên các cánh đồng màu từ xóm 1 đến xóm 10 được phủ màu xanh của rau cải. Trước đây, bà con nông dân thường sản xuất cây cải rễ. Loại này khi non thì tỉa bán rau ghém, rau canh. Khi già thì bán để muối dưa. Sau này, người dân lại chọn cây cải ngọt có giá trị kinh tế hơn.
Điều quan trọng là phải biết cách trồng để cây rau tồn tại được trong điều kiện thời tiết mùa này thường xuyên có mưa lớn. Chị Nguyễn Thị Hạnh - một nông dân xóm 6 chia sẻ kinh nghiệm là phải đầu tư công sức, vật liệu chống ngập úng và rửa trôi cho rau: Làm cây cải đầu tiên là đầu tư phân bón như phân chuồng, phân NPK. Phải vét vọc cao để thoát nước. Sau khi gieo hạt xong rồi thì tủ rơm rạ hoặc lá thông để đến mùa mưa lụt thì không bị xói trôi.
Luân canh xen vụ cho thu nhập cao
Ở Nghi Thuận, đất màu không nhiều. Bù lại, bà con nông dân đã chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa chuột, mướp đắng. Mặt khác, bà con nông dân còn đa dạng cây trồng và xen canh tăng vụ để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Như sau cây mướp đắng, bà con nông dân lại trồng tiếp cây thuốc lào hoặc ngô vụ xuân. Còn rau cải được trồng xen với cây hành tăm. Hành và rau cải được gieo cùng một lúc. Khi rau cải tốt, thu hoạch xong lại tiếp tục chăm bón cho hành tăm. Hành chưa thu hoạch đã lại trỉa dặm ngô xuân. Khi ngô đến kỳ vun gốc thì hành tăm cũng đã được thu hoạch.
Nông dân Nghi Kiều triển khai làm đất sản xuất vụ đông
Với cơ cấu cây trồng và phương pháp luân canh xen vụ như thế này, đất trồng mướp đắng, ngô xuân, rau cải, hành tăm, dưa chuột ở đây cho thu nhập bình quân đạt gần 150 triệu đồng một héc ta một năm. Năm cao đạt tới con số 140 đến 160 triệu đồng. Do hiệu quả kinh tế cao nên trước đây chỉ có 4 ha trồng những loại cây này, nay diện tích tăng lên 80 ha. Riêng vụ đông 2016, diện tích cây màu được mở rộng thêm hơn 20 ha từ đất lúa kém hiệu quả. Nói về hướng phát triển cây rau màu ở địa phương trong những năm tới, Ông Đặng Bá Kiên - PCT UBND xã Nghi Thuận cho biết: Trong những năm tới, UBND xã phát động các xóm cải tạo đất hai lúa SX không có hiệu quả sang làm màu. Mặt khác UBND xã tăng cường đầu tư XD những kênh mương phục vụ tưới tiêu những cánh đồng màu đó, đảm bảo SX có hiệu quả góp phần PT kinh tế của địa phương.
Bà con phấn khởi thu hoạch rau
Biết chọn cây trồng phù hợp với đất thịt pha nhẹ, xen canh hợp lý cùng với kinh nghiệm canh tác, đất màu ở Nghi Thuận đã phát huy hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Đây cũng là mô hình hay để nhiều địa phương trong huyện tham khảo và làm theo.
Tác giả bài viết: Hồng Vinh
Nguồn tin: