Nguyễn Thùy Dung (22 tuổi, lớp K59 Xã hội học A) là một trong 2 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm 2018 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phó ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên Nguyễn Tất Thắng cho biết, nhà trường khi xét chọn sinh viên để trao danh hiệu này, ngoài tiêu chí có điểm học tập toàn khóa loại xuất sắc còn đánh giá sự tích cực, đóng góp cho công tác đoàn hội, hoạt động phong trào của nhà trường, cộng đồng. "Nguyễn Thùy Dung là một sinh viên xuất sắc toàn diện như thế", ông Thắng nói.
Người mở ra hướng nghiên cứu mới
Năm 2014, Nguyễn Thùy Dung thi được 22,5 điểm khối D (Toán - Ngữ văn -tiếng Anh), đủ sức đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng nhưng em chọn Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo định hướng và truyền thống học tập, công tác của gia đình.
Dung đăng ký ngành Xã hội học để phù hợp với tính cách thoải mái của bản thân và có sự hiểu biết rộng rãi, khoa học về con người, cuộc sống, môi trường vùng nông nghiệp, nông thôn. Việc bổ sung hướng nghiên cứu chuyên sâu để giải quyết những vấn đề của nông thôn Việt Nam như: tình trạng thất nghiệp, mất đất, di cư, công nghiệp hóa... cũng là điểm khác biệt trong đào tạo xã hội học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Nguyễn Thùy Dung và báo cáo poster của em tại hội thảo khoa học quốc tế ISAASS 2017. Ảnh: NVCC. |
Tại lớp K59 Xã hội học A, Nguyễn Thùy Dung được bình bầu là lớp trưởng. Em được bạn bè và thầy cô nhận xét là "đặc biệt chăm chỉ, cầu toàn". Trong khi phần lớn sinh viên khác chỉ tập trung học tốt giáo trình thì Thùy Dung lại mày mò tìm đọc thêm tài liệu trong nước, quốc tế để hiểu sâu, rộng hơn các vấn đề giảng viên gợi mở ra. Bài kiểm tra, tiểu luận của em vì thế thường được thầy cô đánh giá cao về tính chuyên sâu, sự khác biệt và cho điểm A, A+ (điểm xuất sắc).
3/4 năm học đại học của Dung vì thế được trao danh hiệu sinh viên xuất sắc, năm học đầu tiên em là học sinh giỏi.
"Ưu điểm lớn nhất của Dung là sự chăm chỉ, nghiêm túc trong học tập và có năng khiếu nghiên khoa học. Bất cứ bài tập, thực hành nào, Dung đều có sự tương tác với giảng viên để làm rõ những điều em chưa hiểu và đọc thêm nhiều tài liệu tham khảo. Dung là một sinh viên chuyên ngành rất ưu tú", giảng viên Xã hội học Phạm Thị Thu Hà nói.
Hết năm học thứ 3, Nguyễn Thùy Dung hoàn thành gần hết số tín chí theo yêu cầu của nhà trường cho hệ cử nhân 4 năm và bắt tay vào làm khóa luận tốt nghiệp. Đề tài của em là Nghiên cứu hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân. Đây được đánh giá là hướng nghiên cứu mới bởi kết hợp giữa tri thức xã hội học và nông học. Các nghiên cứu trước đây chủ yếu đi sâu vào một trong 2 khía cạnh này. "Đề tài của Dung khó. Việc nó không trùng lặp với bất cứ nghiên cứu nào trước đó là thách thức với người thực hiện khi không có tài liệu tham khảo", giảng viên hướng dẫn Phạm Thị Thu Hà cho hay.
Chọn Hải Sơn (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) - vùng trồng lúa nổi cộm về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nghiên cứu, cô sinh viên quê Hà Nội đã một mình xuống tỉnh "ăn nằm" hơn nửa tháng trời. Dung tự mình quan sát, tìm hiểu nguyên tắc sử dụng thuốc, lựa chọn chủng loại và phương thức phun của người dân.
"Phần lớn người dân ở Hải Sơn sử dụng thuốc bảo vệ không đúng cách. Theo quy định, sâu bệnh phải đạt một mức độ nhất định mới được phun thuốc nhưng họ chỉ cần chớm thấy dấu hiệu đã phun. Cả người bán và mua đều không hiểu rõ các hoạt chất của thuốc nên pha chế không đúng thành phần, liều lượng khiến hiệu quả của thuốc không cao. Họ sử dụng cả những thuốc bị cấm, bị hạn chế nhưng không hề biết. Thuốc diệt cỏ trong danh sách bị yêu cầu hạn chế sử dụng lại được dùng rất phổ biến, thường xuyên ở Hải Sơn", Thùy Dung nói.
Quá trình thực địa của nữ sinh Học viện Nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn do người nông dân e dè chia sẻ sự thật. Có người còn hỏi Dung có phải được Chính phủ cử về đề điều tra họ. Không nhiều người dành thời gian để em phỏng vấn, trong khí số lượng bảng hỏi cần thu về là 100 - nhiều gấp đôi với các nghiên cứu làm khóa luận khác, là thách thức không nhỏ với Nguyễn Thùy Dung. Em may mắn sau đó nhận được sự giúp đỡ của hội phụ nữ xã, mới hoàn thành được việc điều tra xã hội học, đảm bảo chất lượng của từng bảng hỏi.
"Đề tài này cần vận dụng nhiều kiến thức chuyên môn về sinh-hóa, nông học mà bản thân em là học ngành xã hội học chưa hiểu biết. Em đã phải tự nghiên cứu nhiều tài liệu trong nước, quốc tế, nhờ bố mẹ làm trong ngành bảo vệ thực vật tư vấn, mới nắm bắt được phần nào kiến thức", Dung nói thêm về những khó khăn.
Sau 5 tháng thực hiện đề tài, Nguyễn Thùy Dung đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp và bảo vệ vào tháng 12/2017. Em nhận được nhiều lời khen từ hội đồng cho ý tưởng nghiên cứu mới mẻ, được thực hiện tâm huyết, công phu. Khóa luận của Dung được chấm 9,5 điểm, trong phần lớn khóa luận khác của sinh viên trong khoa (bảo vệ sau đó 6 tháng) chỉ được 9 điểm trở xuống.
Đề tài Nghiên cứu hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân của Nguyễn Thùy Dung trước đó được lựa để in poster triển lãm tại hội thảo quốc tế ISSAA 2017 về nông nghiệp xanh. Hội thảo do Hiệp hội khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Đông Nam Á phối hợp tổ chức với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Phát triển đào tạo và nghiên cứu của Nhật bản (SEADA), trường Đại học Nông nghiệp Tokyo. Điều đặc biệt là, trong số vài chục báo cáo poster ở hội thảo, chỉ 2 báo cáo do của sinh viên thực hiện, trong đó có khóa luận của Thùy Dung. Số còn lại là của các nghiên cứu sinh và chuyên gia.
Với nỗ lực và thành tích học tập xuất sắc, kết thúc học kỳ 1 năm thứ tư, Nguyễn Thùy Dung đã tốt nghiệp đại học. Thời điểm này, bạn bè cùng khóa với em vẫn ngày ngày vừa lên giảng đường học tập, vừa bắt tay vào làm khóa luận.
Tham gia nhiều hội nghị quốc tế
4 năm học đại học, Nguyễn Thùy Dung là gương mặt nổi bật trong nhiều phong trào đoàn hội của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Em tham gia văn nghệ, dẫn chương trình các sự kiện của trường, từng đạt giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng MC của trường. "Dung hòa đồng, vui tính, thông minh, hay giúp đỡ bạn bè, hát hay đặc biệt là hát tiếng Anh", bạn cùng lớp Đinh Khánh Linh nhận xét.
Phó chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Anh khoa Lý luận Chính trị xã hội - Nguyễn Thùy Dung từng đạt giải ba cuộc thi Olympic tiếng Anh, giải nói tiếng Anh hay nhất cuộc thi Get ready for English đều trong năm 2015; giải nhì festival tiếng Anh Spring into action 2017, của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Thùy Dung (áo dài hồng) tại Hội nghị sinh viên quốc tế ISS ở đại học Nông nghiệp Tokyo (Nhật Bản) năm 2016. Ảnh: NVCC. |
Với lợi thế về ngoại ngữ, kinh nghiệm hoạt động phong trào, Thùy Dung nhiều lần được ban giám đốc nhà trường lựa chọn là gương mặt tiêu biểu tham dự các hội nghị quốc tế. Năm 2016 em là một trong hai sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tham gia Hội nghị sinh viên quốc tế ISS tại đại học Nông nghiệp Tokyo (Nhật Bản).
Năm 2017 em được trường giao hỗ trợ phiên dịch, hướng dẫn hoạt động cho đoàn sinh viên Đại học Emporia State (Mỹ) sang trao đổi, giao lưu học tập.
Chương trình Thanh niên ASEAN trải nghiệm học thuyết kinh tế vừa đủ diễn ra trong 2 tuần ở Thái Lan (năm 2016), Nguyễn Thùy Dung cũng là một trong 7 đại diện của Việt Nam tham dự.
"Có 300 hồ sơ của sinh viên Việt Nam ứng cử vị trí chính thức được tài trợ toàn bộ kinh phí cho 2 tuần tham gia chương trình, nhưng chỉ 2 người được chọn. Em là một trong 2 người đó", Thùy Dung nói về sự kiện Syngenta-USAID Ag Student Connections Program (năm 2017) do công ty Syngenta châu Á và cơ quan phát triển quốc tế Mỹ tổ chức tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Hiện thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực tập ở Ngoại giao đoàn về lĩnh vực Thương mại bền vững. Em mong muốn đem những tri thức của mình đóng góp cho sự phát triển bền vững của nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp và nông thôn.
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress