Chiều nay 9/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018. Một trong những thông tin mới nhất mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho hay là tính đến cuối năm 2017, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt trên 53 tỷ USD - mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay.
Theo đánh giá của ông Hưng, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng củng cố vị trí uy tín của Việt Nam trên thị trường thế giới và tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Dẫn nhận xét của Bloomberg, vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng cho hay: Đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân với khối lượng lớn, từ đó có điều kiện bán lại cho NHNN để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Đáng chú ý là khi đưa tiền ra mua ngoại tệ, NHNN đã linh hoạt điều tiết để thu tiền về. Vào cuối năm 2017, để tránh những biến động lớn trên thị trường ngoại hối khi SABECO bán vốn với khối lượng lớn, NHNN đã chủ động mua ngoại tệ, đồng thời có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chuyển tiền bán cổ phần về NHNN để kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, hạn chế tác động đến lạm phát.
Tại hội nghị triển khai công tác ngành chiều nay 9/1, Thống đốc Lê Minh Hưng đã cho biết số liệu mới nhất liên quan tới dự trữ ngoại hối của Việt Nam (ảnh: AH). |
Đề cập tới tình hình thực hiện chính sách tiền tệ năm 2017, đại diện NHNN cho biết: Trong năm 2017, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để TCTD giảm lãi suất cho vay và tăng cường khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (cao nhất trong 10 năm và cao hơn mục tiêu 6,7%). Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16-18% từ đầu năm.
Ngành ngân hàng tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện lãi suất chịu áp lực gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nỗ lực điều hành CSTT đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, góp phần ổn định và giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Từ ngày 10/7/2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm.
Ngành ngân hàng cũng triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2017, tín dụng tăng 18,17%. Đáng chú ý tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại.
Trong năm 20107, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm; trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời thực hiện linh hoạt các công cụ CSTT để duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý, điều hành thanh khoản tiền đồng để vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá khi cần thiết, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất trên thị trường 1.
Với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, đến nay, thị trường vàng tiếp tục diễn biến tương đối ổn định. Từ đầu năm 2017 đến nay, giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định và biến động trong biên độ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp.
Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống duy trì ở mức thấp. Thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Một phần nguồn vốn bằng vàng đã bước đầu được chuyển hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Dân trí