Trong nước

Thổi giá thiết bị phòng dịch, giám đốc CDC Hà Nội bị bắt

Gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố

Ngày 22-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội), Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Gian lận, nâng khống giá trị gói thầu

Cơ quan điều tra Bộ Công an còn ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bước đầu xác định với vai trò là giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết, gian lận, thông đồng với các bị can khác nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước. Hiện Cơ quan CSĐT đang tập trung làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) của Bộ Công an đã mời một số cán bộ CDC làm việc xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.

Bị can Nguyễn Nhật Cảm (trên cùng - bên trái) cùng các bị can bị khởi tôÁ̉nh: Bộ Công an

Theo ông Chung, thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Hà Nội đã chỉ đạo Công an TP và ngành công thương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu tình trạng tăng giá vẫn diễn ra, không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm và CDC Hà Nội.

"Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm. Không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào. Trong hoàn cảnh dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng. Trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế, thành phố sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm để làm gương" - ông Chung nhấn mạnh.

Mua giá cao hơn thực tế

Trước diễn biến này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu tất cả các đơn vị, từ xã, phường đến các quận, huyện, rà soát lại tất cả trang thiết bị đã mua trong thời gian qua để báo cáo vào chiều chủ nhật tới. Sở Y tế rà soát lại toàn bộ quá trình mua giai đoạn 1 của CDC Hà Nội và các bệnh viện, những thiết bị chưa dùng phải được đưa vào kho quản lý để sử dụng cho mục đích phòng chống dịch, không được sử dụng để khám chữa bệnh thông thường; đồng thời mua sắm tập trung, không được phân cấp ngân sách về cho các phòng y tế quận, huyện cũng như các bệnh viện.

Theo tìm hiểu, thời gian qua, CDC Hà Nội có mua thêm một hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, do số lượng mẫu nghi nhiễm Covid-19 cần xét nghiệm gia tăng. Loại CDC Hà Nội đã mua là hệ thống bao gồm đầy đủ các máy kèm theo như máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu (Realtime PCR) khoảng 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế giá một hệ thống xét nghiệm như thế này thấp hơn nhiều so với 7 tỉ đồng.

Đặc biệt, ở một trung tâm CDC của một tỉnh phía Bắc được báo giá một máy Realtime PCR lên tới 15 tỉ đồng, máy tách chiết 2 tỉ đồng. Một chuyên gia cho rằng mức giá này cao gấp 4-5 lần so với thị trường.

Đến nay, TP Hà Nội đã phê duyệt 1.286 tỉ đồng cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19, trong đó có 14.000 test nhanh, các trang thiết bị phun khử khuẩn, bổ sung máy thở... Để phục vụ công tác xét nghiệm TP có 8 máy Realtime PCR, trong đó 6 chiếc mượn của Công ty Việt Á.

Nhiều đơn thư tố cáo

Ông Nguyễn Nhật Cảm (SN 1963, là PGS-TS-BS) được UBND TP Hà Nội bổ nhiệm giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP trực thuộc Sở Y tế vào tháng 9-2018. Trước khi được bổ nhiệm, ông Cảm giữ chức giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng và năm 2017 đã có nhiều đơn thư tố cáo sai phạm của ông Cảm, trong đó có những khoản thu nhập bất thường.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có chức năng nhiệm vụ là chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn về công tác y tế dự phòng trên địa bàn TP Hà Nội, trên cơ sở định hướng chiến lược của Bộ Y tế, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Y tế và tình hình thực tế tại TP Hà Nội. Trung tâm hoạt động vì sức khỏe của cộng đồng dân cư trên toàn địa bàn TP Hà Nội, với mục tiêu giảm tỉ lệ mắc, chết do các dịch, bệnh, truyền nhiễm, không truyền nhiễm với toàn bộ người dân, giảm thiểu tác hại kinh tế, sức khỏe, thời gian do dịch bệnh gây ra, thông qua các hoạt động dự phòng tích cực, chủ động là chủ yếu.

Tác giả: Nguyễn Hưởng - Ngọc Dung

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP