Ông Trịnh Xuân Thành thời còn giữ chức lãnh đạo tạo PVC.
Thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng và triển khai kế hoạch quý IV/2016 của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của PVC đã đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tổng doanh thu hơn 7.900 tỷ đồng. Giá trị sản xuất kinh doanh và doanh thu của toàn tổ hợp chủ yếu tập trung tại Ban điều hành dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và một số đơn vị thành viên nòng cốt.
Trong đó, lợi nhuận trước thuế hơn 256,8 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 700 tỷ đồng. Thu nhập bình quân toàn Tổng Công ty cũng đạt hơn 10 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo, toàn tổ hợp đã ký kết được 16 hợp đồng mới với tổng giá trị gần 3.600 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ PVC ký kết hợp đồng xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu có giá trị hơn 2.555 tỷ đồng, các công ty thành viên ký được 15 hợp đồng có tổng giá trị hơn 1.031 tỷ đồng.
Kể từ khi công bố công khai số liệu tài chính, từ 2007 đến 2010, PVC vẫn ăn nên làm ra, kinh doanh có lãi, nhưng từ 2011 thì có dấu hiệu sa sút. Đặc biệt, trong năm 2013-2014, Tổng Công ty này rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề.
Việc thua lỗ khủng của PVC gắn liền với ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận và các thuộc cấp trong thời gian hai ông này làm lãnh đạo. Ông Thanh từng giữ chức phó tổng giám đốc tại đây vào năm 2007, sau đó là tổng giám đốc và giữ chức chủ tịch từ năm 2009. Ông Vũ Đức Thuận giữ chức tổng giám đốc từ năm 2009 đến năm 2013.
Tuy nhiên, khi trách nhiệm cá nhân chưa được làm rõ thì ông Trịnh Xuân Thanh được kéo khỏi con tàu PVC đang lao dốc không phanh, để về Bộ Công Thương, rồi sau đó về Hậu Giang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Nửa đầu năm 2013, khi ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận rục rịch chuyển công tác thì PVC báo lỗ 625,7 tỷ đồng và sau khi đơn vị kiểm toán Deloitte bắt tay vào soát xét thì số lỗ tăng vọt lên 1.578 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối 2013, PVC lỗ 3.300 tỷ đồng.
Tháng 9/2013, người kế nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh là ông Bùi Ngọc Thắng - Chủ tịch HĐQT tổng công ty tuyên bố doanh nghiệp có bề dày hơn 30 năm này đã rơi vào tình trạng “nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì PVC không có khả năng hoạt động liên tục, dẫn đến nguy cơ phá sản rất cao”.
Ông Bùi Ngọc Thắng từng phân tích, để PVC đứng trước bờ vực phá sản, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu - mà trước hết là sai lầm về chiến lược. Theo đó, thay vì tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, PVC lại chủ yếu dành nguồn lực cho đầu tư tài chính.
Đơn cử như năm 2011, PVN ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng cùng 6,6 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền thì PVC lại sử dụng 1.080 tỷ đồng cho những mục đích khác như trả nợ ngân hàng, thanh toán lãi vay, hỗ trợ vốn cho các công trình khác, góp vốn cho công ty con... Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, tổng công ty phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ hàng năm.
Tính đến thời điểm 31/12/2012, tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ PVC là 3.370,6 tỷ đồng tại 41 công ty. Thế nhưng, kết quả kinh doanh tại 15 công ty con thì đã có đến 10 công ty báo lỗ và chỉ có 5 công ty kinh doanh có lợi nhuận; 4/8 công ty liên doanh, liên kết lỗ...
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: