Giáo dục

Thiếu điểm vẫn đỗ, thừa điểm lại trượt: "Ảo" ngay trong phần mềm lọc ảo!

Mùa tuyển sinh 2019 vẫn xảy ra trường hợp các trường cố tình nâng điểm chuẩn thật cao để đánh trượt tất cả các thí sinh vì tuyển được quá ít không đủ điểu kiện mở lớp hay có những trường hợp thiếu điểm vẫn đỗ nhưng thừa điểm lại trượt.

Thí sinh N.H.N. H. (TP.HCM) đăng ký xét tuyển ngành Giáo dục Mầm non của Đại học Sài Gòn. Em là thí sinh tự do, tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 để lấy điểm môn Văn xét tuyển đại học và đạt 3,25 điểm. Kết quả thi môn năng khiếu của H., khá cao: môn Kể chuyện - Đọc diễn cảm: 10 điểm và môn Hát - Nhạc: 9,5 điểm. Tổng điểm tổ hợp các môn Ngữ văn và 2 môn năng khiếu của H đạt 22,75 điểm.

Ngày 9/8, Đại học Sài Gòn công bố điểm chuẩn, H. rất vui vì điểm chuẩn ngành Giáo dục Mầm non năm nay là 22,25 điểm, điểm thi của em cao hơn điểm chuẩn 0,5 điểm. Tuy nhiên, khi kiểm tra danh sách trúng tuyển thì không có tên H.

Tương tự, thí sinh Đ.V.T. ở Quảng Nam cũng khiếu nại việc mình đạt tổng điểm 21,5, cao hơn điểm chuẩn ngành Sư phạm Âm nhạc của trường ĐH Sài Gòn đến 3,5 điểm nhưng không được trúng tuyển.

Thí sinh T. đăng ký nguyện vọng 1 ngành Sư phạm Âm nhạc (tổ hợp N01) của trường Đại học Sài Gòn và có kết quả thi năng khiếu khá cao, trong đó môn năng khiếu 1: 8 điểm; năng khiếu 2: 8 điểm. Tổng điểm tổ hợp N01 (gồm môn Văn và 2 môn Năng khiếu) của T đạt là 21,5 điểm. Theo điểm chuẩn trường Đại học Sài Gòn công bố, ngành Sư phạm Âm nhạc có điểm trúng tuyển là 18, tức điểm của T. cao hơn 3,5 điểm, tuy nhiên, T. cũng không có tên trong danh sách trúng tuyển.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện trường Đại học Sài Gòn cho biết, nhà trường áp dụng theo đúng quy định của Bộ GDĐT về quy chế tuyển sinh ĐH đối với các ngành Sư phạm.

Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định. Điểm sàn hệ đại học đối với các ngành Sư phạm là 18 (mức điểm đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực) thì điểm sàn của 1 môn văn hóa để xét tuyển vào các ngành Sư phạm, trình độ đại học là 6 điểm.

Hai trường hợp thí sinh trên mặc dù tổng điểm cao hơn điểm chuẩn xét tuyển nhưng môn Văn của các em đều không đạt 6 điểm, theo đúng quy chế của Bộ GDĐT, các em không đủ điều kiện trúng tuyển.

Ảnh minh họa

Hay trường hợp của thí sinh N.M.Q. (Đồng Nai), em này cho biết em đăng ký 3 NV vào ngành sư phạm Vật lý của trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (NV1), trường ĐH Sài Gòn (NV2) và trường ĐH Đồng Nai (NV3). Khi biết được 22,3 điểm, em nghĩ chắc chắn mình sẽ đỗ NV 3 vào trường ĐH Đồng Nai vì mọi năm, ngành này lấy điểm khá thấp. Vì thế không đăng ký bổ sung thêm nguyện vọng nào khác.

Nhưng khi trường công bố điểm chuẩn trên 24 điểm, Q. mới biết mình không đỗ nguyện vọng nào. Đáng nói là là trường lấy điểm chuẩn thật cao để em và các bạn khác không ai đỗ được vào ngành này.

Trên Sài Gòn giải phóng đưa tin một trường hợp rất hy hữu đó là em Đ.T.T. (hộ khẩu tỉnh Tây Ninh) cho biết, em đăng ký xét tuyển NV1 vào ngành Biên phòng của Học viện Biên phòng bằng tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) với số điểm 21,85 (không có điểm ưu tiên khu vực và đối tượng). Ngoài ra, thí sinh này còn đăng ký 5 NV khác vào Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) bằng tổ hợp A00 (22,1 điểm) và A01 (21,85 điểm).

Cụ thể: NV2 tổ hợp A01 ngành Luật dân sự, NV3 tổ hợp A01 ngành Luật dân sự chất lượng cao, NV4 tổ hợp A00 Luật dân sự, NV5 tổ hợp A00 Luật dân sự chất lượng cao và NV7 tổ hợp A00 ngành Kinh tế và Quản lý công chất lượng cao.

Ngày 8-8, Học viện Biên phòng công bố điểm trúng tuyển và ngành Biên phòng điểm chuẩn dành cho thí sinh Quân khu 7 khối A01 là 22,65. Vì vậy T. không trúng tuyển vì chỉ đạt 21,85.

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế - Luật khi công bố điểm chuẩn thì thí sinh này đủ điểm trúng tuyển ở NV3 vào ngành Luật dân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, T. không thấy tên mình trong danh sách thí sinh trúng tuyển của trường này.

Theo Trường ĐH Kinh tế - Luật, trước phản ánh của thí sinh, trường đã kiểm tra hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và thấy T. đã trúng tuyển NV1 vào Học viện Biên phòng. Vì đã trúng tuyển ở NV cao hơn nên thí sinh này không được xét trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Luật.

Trao đổi với Infonet, ông Hoàng Dũng Sỹ - Trưởng phòng đào tạo ĐH Hồng Đức cho hay: "Phải thừa nhận phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT hỗ trợ rất tốt cho các trường trong vấn đề tuyển sinh. Tuy nhiên, vẫn xảy ra trường hợp ảo ngay trong phần mềm lọc ảo.

Ví dụ có những thí sinh điểm rất cao nhưng đến nguyện vọng thứ 3, thứ 4 mới trúng tuyển ngành X một trường nào đó. Tức là nguyện vọng lớn nhất của các em là mong muốn học ở một trường khác nên sẽ xảy ra trường hợp các em sẽ không nhập học ở nguyện vọng mình trúng tuyển như trên phần mềm lọc ảo báo.

Thậm chí có những em chấp nhận sang năm thi lại hoặc đi một bước "hơi rủi ro" là không xác nhận nhập học khi trúng tuyển ở NV3 hoặc 4 mà bỏ qua luôn. Các em sẽ chờ các trường khác tuyển bổ sung nguyện vọng 1 để đăng ký học với mong muốn được học ngành mình thích. Như vậy có nghĩa là các trường sẽ không đủ chỉ tiêu nếu gọi thí sinh "tiệm cận" với mức chỉ tiêu được giao. Tức là vẫn xảy ra tình trạng thí sinh ảo".

Tác giả: Hoàng Thanh

Nguồn tin: Báo Infonet

  Từ khóa: Bộ GD-ĐT , tuyển sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP