Tuần sau, công ty non trẻ của ông Vũ Duy Quang sẽ ra mắt một số nguyên liệu mỹ phẩm nguồn gốc tự nhiên và sản phẩm làm đẹp hữu cơ. Mới bước chân vào ngành, ông Quang nói chọn làm mỹ phẩm hữu cơ vì là xu hướng hiện nay.
"Chúng tôi dùng các nguyên liệu từ dừa và gạo, cũng như tự xây dựng một nông trại theo chuẩn hữu cơ để chủ động nguyên liệu và hạ giá thành. Nguyên liệu mỹ phẩm hữu cơ nước ngoài có nhiều nhà cung cấp nhưng đắt. Thành phần trong nước không sản xuất được thì chúng tôi mới nhập, nhưng cũng là nguyên liệu tạo nền", ông Vũ Duy Quang - Giám đốc Gene World cho hay.
Ông Patrick - Giám đốc tư vấn và sáng tạo Centdegres Việt Nam, một công ty của Pháp về tư vấn xây dựng và thiết kế sản phẩm, nói rằng thị trường chăm sóc sắc đẹp ở Việt Nam rất tiềm năng.
Với thương hiệu nội địa, thị trường chia hai nhóm. Nhóm thương hiệu lâu đời như Thorakao, Lana... được nhiều người biết đến nhưng chưa làm mới hình ảnh và trẻ hóa thương hiệu. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp trẻ và nhỏ được thành lập gần đây nhưng có phần năng động. Họ có triển vọng nếu tận dụng lợi thế tốt của môi trường trực tuyến.
"Doanh nghiệp mỹ phẩm vừa và nhỏ muốn xây dựng thương hiệu có thể tận dụng lợi thế kênh trực tuyến. Khách hàng muốn mua thì sẽ tìm hiểu nguồn gốc của họ ra sao. Vì vậy, doanh nghiệp nên đầu tư vào xây dựng niềm tin khách hàng hơn là đầu tư các chuỗi bán lẻ trực tiếp", ông Patrick nói.
|
Một khảo sát thực hiện tại TP HCM và Hà Nội được công bố hồi tháng 6/2019 của Q&Me cho biết, Số người trang điểm hàng ngày tăng lên con số 30% và số người hoàn toàn không trang điểm giảm từ 24% (2016) xuống 14% (2019). Những sản phẩm được dùng phổ biến là son môi, kem nền và phấn má hồng.
Có đến 73% sử dụng các sản phẩm chăm sóc da ít nhất một lần mỗi tuần hoặc thường xuyên hơn. Các sản phẩm chăm sóc da phổ thông nhất là sữa rửa mặt, kem chống nắng và mặt nạ dưỡng da mặt.
Các chuỗi bán lẻ về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp ở Việt Nam hiểu rõ về độ hấp dẫn của thị trường. Đến Việt Nam vào 2001, Medicare hiện có hơn 85 cửa hàng và không ngừng tìm kiếm thêm nhà cung cấp để làm phong phú quầy hàng. Điều này khá dễ hiểu khi đối thủ Guardian đến sau 10 năm nhưng có hơn 90 cửa hàng. Đầu năm, thị trường chào đón thêm 'đại gia' Watson từ Hong Kong.
"Chúng tôi đang tìm kiếm thêm những thương hiệu mới muốn thâm nhập và tìm đối tác độc quyền tại thị trường Việt Nam.Chúng tôi còn tìm nhà sản xuất gia công nhãn hàng riêng tại đây", ông Bart Verheyen - Gám đốc thương mại Medicare cho biết.
Không chỉ có kênh trực tiếp, thị trường bán lẻ mỹ phẩm thậm chí 'bùng nổ' hơn trên kênh trực tuyến. Cũng trong khảo sát của Q&Me, số người mua sắm mỹ phẩm trực tuyến vẫn đang gia tăng, với 57% số người sử dụng mỹ phẩm đã từng mua mỹ phẩm trực tuyến và 72% từng mua mỹ phẩm qua mạng xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc Marketing Haravan dẫn thông tin cho rằng, ở Việt Nam, doanh số mỹ phẩm trên thương mại điện tử chỉ thua ngành hàng thời trang. "Xu hướng thương mại điện tử không chỉ thay đổi trong ngành bán lẻ mà còn ở ngành làm đẹp, đặc biệt là nhóm tiêu dùng trẻ tại TP HCM và Hà Nội", ông Tấn nói.
Không bỏ qua cơ hội, nhiều thương hiệu ngoại cấp tập 'lên sàn' trực tuyến chính thức từ đầu năm đến nay. Hồi tháng 6, Clinique mở cửa hàng chính hãng trên Lazada sau khi đã có 11 cửa hàng trực tiếp tại TP HCM và Hà Nội. Trước đó 3 tháng, M∙A∙C cũng đã 'lên sàn' trên nền tảng này.
"Chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm hoàn hảo cho M∙A∙C chính thức gia nhập thị trường bán lẻ trực tuyến, nhất là khi tiềm năng tăng trưởng của thị trường này đang ở cấp số nhân và mức thị phần có thể đạt tới 60% tại Việt Nam đối với các nhãn hàng mỹ phẩm cao cấp", bà Abigail Baniqued – Giám đốc nhãn hàng M∙A∙C tại Việt Nam chia sẻ thời điểm đó.
Khách hàng chọn mua mỹ phẩm bên trong cửa hàng của Watson. |
Theo các chuyên gia, thị trường mỹ phẩm làm đẹp ở Việt Nam chứa nhiều yếu tố hứa hẹn, bao gồm tầng lớp trung lưu tăng trong khi chi tiêu cho mỹ phẩm bình quân đầu người mỗi năm vẫn còn thấp, chỉ 4 USD một người mỗi năm, trong khi Thái Lan là 20 USD, theo Nielsen. Thế hệ tiêu dùng trẻ quan tâm đến nhu cầu trang điểm và chăm sóc da hơn, kể cả nam giới.
Mintel, một công ty nghiên cứu thị trường tại Anh ước tính, thị trường mỹ phẩm của Việt Nam trị giá khoảng 2,3 tỷ USD. Theo các doanh nghiệp trong ngành, thị phần lớn của thị trường này thuộc về các thương hiệu của Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ.
Ông CP Saw - Giám đốc chuỗi triển lãm làm đẹp Informa Markets, đơn vị tổ chức Mekong Beauty Show và VietBeauty cuối tuần sau tại TP HCM, cho biết sự kiện năm nay có sự góp mặt đến 30% nhà triển lãm Hàn Quốc. Trong khi đó, nhà triển lãm Việt Nam chiếm 15% trong tổng số 450 đơn vị tham gia.
Tác giả: Viễn Thông
Nguồn tin: Báo VnExpress