Giáo dục

Thi trắc nghiệm, môn Sử sẽ khô khan, nhạt nhẽo

Mới đây, Bộ GD - ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, thí sinh (TS) sẽ làm 5 bài thi gồm Văn, Toán, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), bài thi tổ hợp khoa học xã hội (Sử, Địa, GDCD). Ngoài môn Văn làm bài theo hình thức tự luận, các môn còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Ngay sau khi công bố, Hội toán học Việt Nam đã lên tiếng phản đối môn Toán không thể thi trắc nghiệm khiến dư luận nóng ran những ngày qua. Không chỉ môn Toán, nhiều giáo viên môn Lịch sử cũng đã lên tiếng với hầu hết ý kiến cho rằng nếu thi trắc nghiệm môn Lịch sử sẽ bị "xé nát"; vai trò,vị thế của môn Sử sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Thầy Lê Văn Phan, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng) cho rằng, kiến thức môn Lịch sử vốn đã nhiều và nặng khiến nhiều em sợ không dám chọn môn này nên mới có tình cảnh nhiều hội đồng thi "trắng" TS thi môn Sử, hay cả hội đồng hàng chục con người chỉ để phục vụ một TS thi môn Sử... Nay thi trắc nghiệm thì kiến thức sẽ còn nhiều hơn, bởi những đơn vị kiến thức nhỏ, vụn vặt vẫn có thể ra một câu hỏi trong đề thi. Do đó, chưa thi cũng đoán trước được kết quả là môn Sử sẽ tiếp tục đìu hiu với sự lựa chọn lèo tèo của học sinh. Nếu thi trắc nghiệm thì môn Sử sẽ trở nên khô khan, nhạt nhẽo, không truyền cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về những chiến công của cha ông. Bởi trắc nghiệm đơn thuần chỉ là biết rồi lựa chọn chứ không hề có sự phân tích, lập luận, không thể thấy sự gian khổ, hi sinh, cũng không thể thấy sự sục sôi của lòng yêu nước... Thế nên môn Sử không khô khan, nhạt nhẽo mới là chuyện lạ!

Nếu thi trắc nghiệm, môn Lịch sử sẽ bị "xé nát" (ảnh minh họa). Ảnh: Q.H


Đồng quan điểm này, cô Võ Thị Hiền, giáo viên Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, chương trình Lịch sử lớp 12 có 26 bài với rất nhiều kiến thức mà thi chỉ có 20 câu thì sẽ trở nên mênh mông, không biết đường nào mà lần. "Thi tự luận còn biết chú trọng vào kiến thức cơ bản, trọng tâm để học chứ trắc nghiệm thì một ý nhỏ cũng phải học vì vẫn có thể ra một hỏi", cô Hiền băn khoăn.

Trong khi đó, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) lo lắng rằng thi trắc nghiệm sẽ xé nát môn Sử, sẽ làm cho vai trò, vị thế của môn Sử tiếp tục giảm mạnh. Theo thầy Hiếu, dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017 là một dự thảo chứa đựng sự bất ổn, ra đời quá vội vàng và không hề có sự tham vấn. Hệ lụy của nó ngay lập tức đã làm cho học sinh hoang mang, phụ huynh lo lắng và giáo viên phổ thông chán nản, thất vọng.

Thầy Hiếu chia sẻ: "Một thực tế đau lòng trong dạy Sử những năm qua mà rất nhiều người có thể thấy được là những nhận thức ngây ngô, lệch lạc kèm theo rất nhiều điểm kém của học sinh.TS trong các kỳ thi, trên các sân chơi truyền hình đã gióng lên hồi chuông báo động. Nhiều học sinh yêu sử nhưng không chọn sử trong kỳ thi quốc gia. Tháng 8-2015, sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dư luận đã "dậy sóng", phản ứng quyết liệt vì môn Sử bị "khai tử" với tên gọi "Công dân với Tổ quốc" trong dự thảo. Nhờ dư luận, sau đó Bộ GD-ĐT đã phải "trả lại tên" cho môn Sử. Mọi việc cứ ngỡ đã ổn thì lại thêm một dự thảo nữa "ra lò". Tôi và các đồng nghiệp rất thất vọng khi chính môn Sử lại bị "xé nát" cấu trúc bởi các bài thi và hình thức thi trắc nghiệm".

Theo thầy Hiếu, nguyên tắc vàng của khoa học lịch sử là tái hiện lại quá khứ với bộ mặt vốn có của nó, để rút ra bài học kinh nghiệm, để yêu đất nước và có lòng tự tôn dân tộc nhiều hơn. Chủ quyền dân tộc thiêng liêng của chúng ta hiện, đã và đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, những kiến thức và bài học lịch sử của cha ông cần được "hâm nóng" bằng môn Sử một cách đầy đủ với quan điểm, chính kiến, thái độ và trách nhiệm của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, kiến thức sử không thể được học và thi theo kiểu võ đoán, may rủi. "Chỉ có thể là hình thức thi tự luận với cấu trúc hợp lý, lưu lượng kiến thức vừa đủ, cùng thời gian làm bài phù hợp mới có thể đánh giá đầy đủ, đa diện và chính xác tư duy, trí tuệ của học sinh", thầy Hiếu khẳng định.

Trước những băn khoăn, lo lắng của giáo viên dạy Lịch sử cùng nhiều phụ huynh, học sinh, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần sớm "phản biện" lại bằng văn bản chứng minh ưu điểm của hình thức trắc nghiệm để thuyết phục dư luận chứ tiến hành theo kiểu áp đặt e rằng khó nhận được sự đồng tình, ủng hộ!

Tác giả bài viết: Phạm Được

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP