Ngày 30-31/5, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Sau đó hai ngày, lần lượt trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ) và THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức thi.
Tỷ lệ chọi trung bình ở ba trường này lần lượt là 1:14, 1:10 và 1:7, cao hơn cả đại học top đầu như Ngoại thương, Bách khoa. Trong đó nhiều môn chuyên có tỷ lệ chọi cao hơn mức trung bình rất nhiều.
Chạy xô học thêm, ôn luyện đến 2h sáng
Đến trước giờ vào phòng thi khoảng một tiếng, Vũ Thành Đạt, học sinh trường THCS Quảng An (Hà Nội) tỏ ra hồi hộp. Em đứng sát khu vực thi chuyên Hóa của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội thay vì ngồi một chỗ đợi gọi lên phòng thi. Ngoài chuyên Sư phạm, Đạt còn thi thêm THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, chuyên Nguyễn Huệ và THPT Chu Văn An.
"Dù chuyên Khoa học tự nhiên mới là đích đến cao nhất, em vẫn lo lắng khi bước vào kỳ thi ở trường Sư phạm bởi đây là bước đệm, có thể tạo đà tâm lý tốt. Nhưng nếu thi không tốt, nó sẽ khiến em lo lắng nhiều hơn khi dự thi trường Khoa học tự nhiên vào ngày 3-4/5 tới”, Đạt nói.
Học sinh tranh thủ ôn tập trước khi vào thi môn Toán, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành |
Để chắc chắn đỗ vào lớp chuyên Hóa, Thành Đạt bắt đầu ôn thi từ lớp 8, làm rất nhiều dạng đề, từ đề trường chuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến đề của khối đại học. Học cả sáng và chiều, em chỉ kịp nghỉ ngơi, ăn chiếc bánh mì trước khi theo hai ca học tối kéo dài từ 6 đến 9h. Về tới nhà, tắm rửa, ăn uống xong, em lại tiếp tục ngồi vào bàn học.
"Môn Hóa và môn Văn em chỉ học thêm một thầy. Riêng môn Toán, em phải học thêm hai nơi, một nơi để ôn vào trường chuyên thuộc Sở, một nơi ôn thi khối chuyên của đại học vì môn Toán của chuyên Sư phạm và Khoa học tự nhiên khó hơn đề chung của Sở gấp nhiều lần", Đạt chia sẻ. Em lo lắng khi đề Ngữ văn của Sư phạm khó hơn bình thường và dường như khó hơn gấp bội với những học sinh thiên về các môn tự nhiên như em.
Đỗ chuyên Hóa là mục tiêu lớn của Đạt. Em tâm sự rất đam mê Hóa và muốn du học. Có chị gái họ từng học chuyên Toán THPT chuyên Nguyễn Huệ và đang du học Nhật tư vấn, Đạt hiểu rằng đỗ chuyên là cách tốt nhất, mở ra nhiều cơ hội để du học. Nếu chỉ đỗ trường công lập, e rằng ước mơ của em khó thành hiện thực.
Đứng đợi mẹ trước điểm thi THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Phương Nga không giấu được sự lo lắng. Cả em và mẹ không nhớ mang theo phiếu dự thi. Đến nơi mới phát hiện ra nên mẹ phải quay về nhà lấy.
Chịu áp lực phải đỗ chuyên từ phía gia đình và cả bản thân, Nga đã đi học thêm rất nhiều. Một tuần em dành 6 buổi tối chia đều cho việc học thêm các môn Toán, Hóa và tiếng Anh. Riêng môn Văn, em tranh thủ học trên lớp.
"Sáng và chiều học ở trường, tối về nhà thầy học thêm. Hôm nào sớm, em được tan lúc 9h30, muộn thì 11h đêm mới tới nhà. Về nhà học tiếp đến 2h sáng, 6h lại dậy đi học. Vòng quay cứ đều như vậy khiến em khá mệt mỏi, nhưng vẫn cố gắng vì biết chắc chắn cơ hội không đến lần hai", Nga nói.
Ngoài thi vào chuyên Sư phạm, cựu học sinh THCS Tân Định còn đăng ký vào trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên và chuyên Nguyễn Huệ. Tìm hiểu đề các năm trước, Nga khẳng định đề thi của khối đại học rất khó. Đặc biệt, đề Toán của trường Khoa học tự nhiên còn ngang ngửa đề thi học sinh giỏi cấp quận. Điều này kết hợp với tỷ lệ chọi lên tới 1:23 khiến em không thể lơ là.
Bỏ thi trường chuyên của Sở để bớt áp lực
Diệu Linh, học sinh trường THCS Ngô Gia Tự, quyết định không đăng ký vào trường chuyên thuộc Sở Giáo dục Hà Nội, tập trung thời gian ôn luyện vào hai trường chuyên thuộc đại học. Để chắc ăn, em đăng ký vào trường THPT Kim Liên - trường có điểm chuẩn cao thứ nhì Hà Nội năm 2017.
"Thi thêm trường chuyên của Sở, em lại phải ôn hai kiểu đề khác nhau. Hơn nữa, bài thi sẽ được chuyển qua hội đồng chuyên chấm, khi đó sẽ áp lực hơn vì nếu trượt chuyên, cơ hội vào trường công lập top đầu có thể không còn", Linh phân tích.
Cùng suy nghĩ với Diệu Linh, Kiều Trang (THCS Phan Đình Giót) chỉ dự thi chuyên Anh vào hai trường thuộc đại học và đăng ký thêm trường THPT Nhân Chính thay vì THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ hay Chu Văn An của Hà Nội.
"Biết thi chuyên Ngoại ngữ và chuyên Sư phạm rất áp lực, tỷ lệ chọi cao (1 chọi hơn 35), kiến thức nặng, đề khó nhưng em rất quyết tâm, đặc biệt là chuyên Sư phạm vì bản thân muốn theo ngành giáo viên và muốn được tiếp xúc về mặt nghiệp vụ ngay từ khi còn học phổ thông", Trang chia sẻ.
Khoảng 7.400 thí sinh dự thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 30/5. Ảnh: Ngọc Thành |
Từ Phú Thọ xuống Hà Nội thi THPT chuyên Đại học Sư phạm, Diệu Linh (THCS Giấy Phong Châu) đã quyết định không thi vào trường THPT chuyên Hùng Vương của tỉnh để đầu tư thời gian thi vào chuyên Sư phạm.
Thi chuyên Lý, tỷ lệ chọi 1/17 nên Linh đã ôn tập kỹ lưỡng. "Tuần nào em cũng học mỗi môn Lý, Toán, Văn, Anh từ 2 đến 3 buổi. Mỗi hôm tham gia 2-3 ca học thêm. Tháng 5 không phải học ở trường nữa, ngày nào em cũng học 3 ca", Linh thông tin. Để giữ gìn sức khỏe, em thường đi ngủ lúc 11h30 tối nhưng 4h30 sáng hôm sau đã lại dậy học vì "giờ đó em học rất vào".
Nữ sinh sinh năm 2003 khẳng định việc bỏ qua trường chuyên ở tỉnh để tập trung thi trường chuyên thuộc đại học giúp em giảm bớt áp lực và ôn thi hiệu quả hơn.
Tác giả: Dương Tâm
Nguồn tin: Báo VnExpress