Trước tiên, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính cơ chế mở về thuế đối với khu vực sản xuất, lắp ráp xe trong nước và các doanh nghiệp (DN) làm phụ trợ ô tô để thúc đẩy phần giá trị gia tăng trong nước, từ đó có thể giúp giá xe ô tô tại Việt Nam rẻ hơn, cạnh tranh với xe nhập ngoại.
Thêm nhiều ưu đãi cho DN ô tô trong nước nhưng Bộ Công Thương đang siết chặt thuế đối với người tiêu dùng (ảnh minh hoạ) |
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp ô tô trong nước
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính: Thay đổi giá tính thuế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31 tháng 12 năm 2022, theo hướng không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.
Ngoài ưu đãi thuế TTĐB, Bộ này còn yêu cầu: Bộ Tài chính thời gian tới cần rà soát và đề xuất điều chỉnh về các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Luật số 32/2013/QH13 theo hướng các dự án sản xuất ô tô có quy mô lớn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, không phân biệt địa bàn đầu tư.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, rút ngắn thời gian tiến hành các thủ tục đăng kiểm đối với các kiểu loại xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kiến nghị ưu đãi cho DN, Bộ Công Thương lại có nhiều kiến nghị thắt chặt hơn đối với người tiêu dùng ô tô và chính bản thân mặt hàng là ô tô nói chung.
Cụ thể, Bộ kiến nghị Bộ Tài chính có giải pháp điều chỉnh tăng mức thuế đối với xe có dung tích xi lanh trên 2.5L trở lên. Mặc dù không nói rõ loại thuế nào, tuy nhiên trong các loại thuế vào ô tô, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc hiện không thể điều chỉnh bởi Việt Nam đang phải cam kết cắt, bỏ thuế theo lộ trình với quốc tế. Còn các loại phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng đối với xe ô tô cũng ở ngưỡng khó có thể tăng thêm.
Ưu đãi nào cho người tiêu dùng?
Đề nghị tăng thuế trên của Bộ Công Thương, có thể tác động đến Thuế TTĐB đối với xe dung tích 2.5L bởi Thuế TTĐB là loại thuế nội địa không chịu ràng buộc của các cam kết quốc tế. Các nước muốn lập hàng rào thị trường, điều hướng tiêu thụ, hạn chế tiêu dùng được quyền ra chính sách riêng mà không vi phạm cam kết quốc tế. Hiện ở Việt Nam, mức thuế TTĐB đối với xe con dưới 9 chỗ ngồi trở xuống dung tích xi lanh 2.5L là 55%.
Ngoài ra, một kiến nghị nữa là Bộ Công Thương yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực đối với mức thuế áp cho xe có dung tích xi lanh dưới 1.5L đến ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Theo Luật 106/2016/QH13 - Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua năm 2016 và có hiệu lực ngày 1/7/2016, xe 9 chỗ dung tích xi lanh dưới 1.5L được áp dụng Thuế TTĐB ở mức 40% từ 1/7/2016 đến hết năm 2017 và về mức 35% từ năm 2018 trở đi.
Với kiến nghị trên của Bộ Công Thương, nếu được thông qua, xe ô tô dung tích 1.5L sẽ mất 4 năm nữa mới được giảm thuế TTĐB từ mức 40% hiện nay, xuống 35% như trong Luật 106 nói trên. Đồng thời, chắc chắn Luật thuế 106 sẽ phải sửa đổi, bổ sung.
Mặc dù, đưa ra nhiều ưu đãi đối với các DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước song các kiến nghị của Bộ Công Thương hướng thiết chặt vào người mua ô tô, nhất là về vấn đề thuế và phí. Về phía các DN lắp ráp và phụ trợ cho ngành ô tô, nhiều chính sách được cởi bỏ song chưa đặt ra lộ trình và kết quả đạt được.
Điều này đặt ra lo ngại thị trường và ngành ô tô đi theo “vết xe đổ” gần 20 năm trong đó giá xe cao mà các DN được thừa hưởng chính sách ưu đãi nhưng không thực hiện cam kết, khiến ưu đãi của Nhà nước gây bất bình đẳng thị trường.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí