Dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy Posco SS-Vina, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
“Vỡ trận”, “chết lâm sàng”, “khủng hoảng thừa”... là những cụm từ mà nhiều chuyên gia đã sử dụng để nhận định về sự phát triển của ngành thép thời gian qua.
Từng có chuyện nhiều doanh nghiệp thép lớn, dù nằm trong quy hoạch hẳn hoi, nhưng vẫn đứng ngấp nghé bên bờ vực phá sản. Trong khi đó vẫn có không ít dự án thép được cấp phép tràn lan, sai quy định nhưng chưa được giải quyết dứt điểm...
Chạy không hết công suất
Ông Hồ Nghĩa Dũng, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết với mặt hàng thép xây dựng thông thường (thép cây, cuộn, hình), tổng công suất thiết kế hiện nay của các doanh nghiệp ước khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng mỗi năm chỉ tiêu thụ hơn 7 triệu tấn.
Tương tự, khả năng đáp ứng phôi thép trong nước ở mức khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ cũng chỉ ở mức 6-7 triệu tấn/năm là cùng.
“Bản thân năng lực, công suất của chúng ta chưa phát huy được hơn và dư thừa lớn là do nhu cầu trong nước chưa tới” - ông Dũng thừa nhận.
Một chuyên gia ngành thép khẳng định sản lượng thép trong nước hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu.
“VN vẫn phải nhập khẩu các loại thép chưa chế tạo được như thép cán nóng, phôi thép tấm, thép hợp kim... Nhưng riêng thép xây dựng lại đang thừa” - vị này nói.
Theo vị này, có một thực tế mà rất ít doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện nay dám thừa nhận là công suất chạy máy của họ chỉ đạt 60-70% so với mức thiết kế.
“Ngay cả đợt sốt thép hồi tháng 3-2016, doanh nghiệp thép xây dựng tiêu thụ nhiều nhất ngành cũng chưa chạm được đến công suất lý tưởng nữa là” - vị này thông tin.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng nếu thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, VN không nên đầu tư vào ngành thép.
“Vì quy luật cung cầu thế giới hiện nay là phân công chuỗi giá trị, nhiều nước cũng đang đóng cửa các nhà máy thép do nguồn cung dư thừa quá nhiều” - ông Mại nhấn mạnh.
Dây chuyền sản xuất tại một nhà máy thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
“Lù lù” thêm vào quy hoạch
Trong quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020, có xét đến năm 2025 được ban hành năm 2013, Bộ Công thương đưa ra định hướng ưu tiên đầu tư sản xuất gang, phôi thép từ quặng sắt, một số chủng loại sản phẩm thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép không gỉ...
Đồng thời yêu cầu đầu tư vào công nghệ, thiết bị tiên tiến và tiết kiệm năng lượng, năng suất cao.
Ông Trương Thanh Hoài, vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), cho biết việc đưa ra quy hoạch này nhằm định hướng lại ngành thép và ngăn chặn những dự án thép được cấp phép dễ dãi, nằm ngoài quy hoạch bùng nổ trong giai đoạn 2007-2008.
Đi kèm với quyết định này, danh mục các dự án đầu tư ngành thép VN giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 đưa ra danh sách 44 nhà máy, cộng thêm 20 nhà máy đã được xây dựng trong giai đoạn 2007-2012.
Thế nhưng các dự án bổ sung vào quy hoạch vẫn cứ “lù lù” xuất hiện. Mới nhất là dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen, tổng công suất 16 triệu tấn/năm.
Trước đó nữa, Bộ Công thương cũng điều chỉnh đưa dự án “Nhà máy phôi thép Nghi Sơn” thành “Dự án liên hợp gang thép Nghi Sơn” của Công ty CP gang thép Nghi Sơn (tổng công suất thiết kế của ba giai đoạn là 7 triệu tấn/năm, gồm 2 triệu tấn phôi vuông/năm, 5 triệu tấn phôi dẹt/năm).
Hay “Dự án mở rộng nâng công suất sản xuất thép xây dựng chất lượng cao công suất 600.000 tấn/năm thuộc dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát giai đoạn 1” do Công ty CP thép Hòa Phát làm chủ đầu tư cũng được vào quy hoạch.
Theo VSA, hiện có khoảng 400 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành thép, chủ yếu quy mô nhỏ và vừa với công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng.
Nhà máy thép “ngốn” nhiều điện năng
Chiều 9-9, một cán bộ có trách nhiệm của Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - một trong những địa bàn tập trung nhiều nhà máy thép - cho biết trên địa bàn hiện có 18 dự án thép đã được cấp phép và còn hiệu lực, tổng công suất hơn 14 triệu tấn/năm (vừa luyện, vừa cán).
Trong đó có khoảng 12 dự án đã đi vào hoạt động. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, những năm qua các nhà máy sản xuất thép có công suất lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ hoạt động cầm chừng, không hết công suất thiết kế.
Trong một đánh giá của cơ quan chức năng vào năm 2010, trong 18 dự án sản xuất thép nêu trên có gần 10 dự án cấp phép vượt quy hoạch, theo quyết định quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc có quá nhiều dự án sản xuất thép hoạt động trên địa bàn tỉnh này đã dẫn đến phá vỡ quy hoạch sử dụng điện, thiếu điện trầm trọng thời gian qua. Theo tính toán tại thời điểm đó, các nhà máy sản xuất thép trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã “ngốn” khoảng 60% sản lượng tiêu thụ điện. Cũng do cấp phép dự án thép vượt quy hoạch, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát và kiểm điểm trách nhiệm của ông Lê Minh Châu - trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào thời điểm đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu Ban quản lý các KCN thu hồi những dự án cấp phép vượt quy hoạch, nhưng việc thu hồi đã không được tiến hành. Điều ngạc nhiên là những dự án vượt quy hoạch này đã lần lượt được bổ sung vào quy hoạch ngành thép. “Tất cả những dự án sản xuất thép vượt quy hoạch trước đó nay đều hoạt động hợp lệ do đã được bổ sung vào quy hoạch” - vị cán bộ Sở Công thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay. ĐÔNG HÀ |
Tác giả bài viết: NGỌC AN - TRẦN VŨ NGHI