Giới trẻ

Thêm 1 người cha đầu trần ướt sũng trong cơn mưa nhường ô nhường áo cho con gây bão mạng

Ăn đã có mẹ. Ngủ cũng có mẹ. Đưa con đến trường vẫn là mẹ. Nhưng giơ tấm thân sũng nước che chở con trở về giữa trời giông bão thì phải cần cha.

Ai cũng bảo ơn nghĩa sinh thành sánh tựa biển trời. Nhưng dường như người ta thường ưu ái liên tưởng chữ hiếu đến tình mẫu tử. Cũng dễ hiểu, bởi mẹ mang nặng đẻ đau, gắn bó với cuộc đời đứa con từ lúc còn là núm ruột trong bụng đến khi nên vóc nên hình. Mẹ bón cho ta từng thìa cháu, giặt cho ta từng cái áo, chiếc quần, ru hồn ta êm đềm trong từng mộng mị. Nhưng đừng vì sự gần gũi thiêng liêng của mẹ mà phủi sạch công lao của cha. Ai đã nghĩ về cha bằng những trận đòn, tức tối với những lần bị cha phạt khi phạm lỗi, bị bắt ở nhà học bài, cấm đi chơi về muộn thì hãy nhìn bức ảnh sau đây. Và hãy suy nghĩ lại.

Bức ảnh cảm động về người cha đầu trần trong mưa

Bức ảnh ấy có gì đâu nhỉ? Chỉ là một người cha đầu trần, manh áo mỏng ướt sũng, đeo chiếc ba lô màu hồng phấn nhỏ xíu của đứa con trai, chân thì ống cao ống thấp, lại “quên” mang dép. Tay trái người cha bám chặt vào chiếc áo mưa màu cam nhạt, tay phải lại nhất quyết không buông cậu bé cầm ô xanh sẫm. Cả ba cứ thế sấn vào dòng nước đục ngầu tràn ngập dưới chân, trong khi trên đầu trời mưa xối xả.

Chỉ có vậy thôi, thế mà mới vài tiếng đồng hồ đăng tải trên một diễn đàn nhiếp ảnh, bức ảnh “kỳ quặc” ấy lại được đến 2.000 lượt yêu thích cùng hàng chục ngàn lượt theo dõi, bình luận.

"Làm cha" - chỉ hai chữ ngắn gọn mà tác giả Hieu Truong gửi vào lại bao hàm nhiều ý nghĩa.

Thoạt nhìn, ai cũng dễ dàng bảo rằng bức ảnh ấy đẹp. Có người cho rằng nó đẹp vì ghi lại được khoảnh khắc mưa rơi nặng hạt, người há hốc mồm khi chứng kiến ông bố “già đầu” mà lại đeo ba lô con nít. Còn tác giả, chỉ chú thích tấm ảnh bằng hai chữ ngắn gọn: “Làm cha”.

Bạn thử tưởng tượng xem làm cha dễ hay khó. Ngày xưa tôi nghĩ làm cha thật sướng. Được tha hồ mắng nhiếc khi con hậu đậu trượt chân té ngã, được quyền đánh hai bên mông sưng vù những lúc con trốn nhà đi chơi. Hay đơn giản, cứ điểm kém là phải quỳ gối, áp má vô tường bốn tiếng đồng hồ không được cựa quậy. Còn mẹ, mẹ phải lo phần việc thu dọn “bãi chiến trường” mà kẻ làm cha tạo ra. Con té, mẹ vội vàng đỡ dậy. Mông sưng vù, mẹ đã sẵn dầu xoa. Úp mặt vô tường, mẹ lén đem gối kê dưới chân tiếp tế…

Bức ảnh được nhiều cư dân mạng nhiệt liệt ủng hộ. (Ảnh chụp FB)

Tôi tin rất nhiều người cũng từng như tôi, mang ấn tượng tốt đẹp về mẹ, ác cảm về cha; đã từng thắc mắc vì sao trời cho mình một người mẹ dịu hiền lại “rảnh chuyện” ban thêm ông bố ác độc. Và đã từng tự hỏi vì sao lúc nào buồn phiền cứ trở về nhà là có mẹ cận kề, còn cha sao cứ lang thang đâu mãi từ sáng đến tối mịt (trong khi mình về trễ là bị đánh).

Thế rồi những khi mái nhà xiêu vẹo, vách ố tường rêu, thấy chỉ mình cha cặm cụi quét sơn, chống lại cái cột đến hồi mối mọt. Những khi đến kỳ đóng học phí, cha lại rón rén móc số tiền tiết kiệm trong tủ ra trả mà không một chút oán than, trái ngược với những lần keo kiệt, lắc đầu không thương tiếc khi nghe con xin cây mấy ngàn đồng mua que kem, cái bánh, phải cầu cứu mẹ.

Rồi cái ngày vô tình bắt gặp cha đưa tiền cho mẹ đi chợ, biết được mọi chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào đôi vai trần trụi, bàn tay lực lưỡng của cha, ai mà chẳng ngỡ ngàng chua xót. Hoá ra tôi ăn bằng tay của mẹ, ngủ bằng đôi môi mềm mại của mẹ, nhưng lại sống bằng giọt mồ hôi của cha.

Vậy đó, cha tôi thô kệch lắm, khô cứng lắm chứ không nhẹ nhàng tình cảm như người cha trong bức ảnh. Nhưng thay vì nắm chặt bàn tay các con chở che trong mưa cuồng lũ quét, bàn tay làm ra từng đồng bạc cắt của cha đã níu kéo cuộc đời tôi qua mọi sa ngã, đã đưa tôi đến giảng đường đại học, để tay tôi không phải nắm từng thanh sắt, mảnh tôn, phải hứng gió đội mưa khổ cực như ông.

Thế mà trong suốt một thời gian dài, tôi đã không ghi nhận công lao của người “làm cha” ấy. Còn đứa nhỏ trong bức ảnh, nó bám chặt từng đầu ngón tay vào tấm áo của cha, tin tưởng rằng dù bất cứ hoàn cảnh nào, cha cũng không rời bỏ nó. Hai đứa bé vẫn còn một đoạn đường dài để lớn lên và hiểu được sâu sắc tấm lòng của cha. Đoạn đường ấy có lẽ sẽ lắm chông gai như công trình còn dang dở trước mặt ba cha con họ.

Với người đàn ông này, "làm cha" là kiên cường dẫn hai đứa con bại não đi bán kẹo kiếm tiền.

Còn người cha mù này chọn cách chăm sóc vuông tôm cho hàng xóm để lấy tiền nuôi con.

Mỗi người đều có cách “làm cha” của riêng mình. Cha tôi chọn làm người cha lặng lẽ chống chèo, cha bạn chọn làm người cha thành đạt, có chức quyền để trở làm thần tượng trong mắt con. Còn cha của hai đứa bé thì “làm cha” bằng cách lội nước cống, hứng cơn mưa nặng hạt cho con khỏi ướt.

Giờ tôi đã hiểu vì sao bức ảnh ấy được đón nhận nhiệt liệt, dù mới một năm trước cũng một ông bố công sở chấp nhận ướt sũng để cầm ô che chắn cho con trong trời mưa đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Có lẽ với tình phụ tử thiêng liêng, chẳng có bức ảnh “làm cha” nào là cũ và không là tuyệt tác.

Bức ảnh người cha "đại gia" ướt sũng cầm ô che mưa cho con từng gây bão mạng một năm về trước.

Tác giả bài viết: minhhoang/theo Mộc Cát

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP