PV: Những ngày này, sĩ tử cả nước đang ôn tập để làm bài thi THPT có kết quả tốt nhất. Với cương vị trưởng bộ môn Ngữ Văn khối 12 nhiều năm và là người có kinh nghiệm ôn tập môn Ngữ Văn bậc THPT, thầy có thể cho biết phương pháp ôn tập như thế nào hiệu quả?
ThS Phan Thế Hoài: Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu văn bản và làm văn – trong đó có câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Phần đọc hiểu, nghị luận xã hội, đề thường ra đơn giản, quen thuộc, ngoài phạm vi chương trình sách giáo khoa, vậy nên thí sinh không nên lo lắng.
Thời gian ôn thi còn lại không còn nhiều, thí sinh cần tập trung ôn tập câu nghị luận văn học (chiếm 5 điểm) cho tốt. Đối với câu hỏi này, đề có thể yêu cầu nghị luận về một đoạn trích thơ hoặc một đoạn trích văn xuôi cho sẵn. Vậy nên, thí sinh cần nắm chắc phương pháp thì mới có thể làm bài thi tốt.
Thứ nhất, cần ghi nhớ chính xác tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm để làm phần mở bài. Thứ hai, đối với thơ, cần ôn lại nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Với văn xuôi, cần tập trung học một số đoạn trích hay, có khả năng sẽ xuất hiện trong đề thi, cần lưu ý thêm câu hỏi phụ.
Ví dụ, tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” (Nguyễn Tuân) cần tập trung vào các đoạn trích như Sông Đà hung bạo, Sông Đà trữ tình. Còn câu hỏi phụ thì liên quan đến phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân hoặc cái nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của tác giả.
Học sinh lớp 12 tại Tp.HCM ôn tập môn Ngữ Văn |
Thứ ba, nên chuẩn bị sẵn kết bài của một số tác phẩm trọng tâm để viết cho nhanh, cho kịp thời gian 120 phút, nhất là học sinh có lực học trung bình, yếu.
Thứ tư, cần phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lí, chẳng hạn, dành 10-15 phút làm đọc hiểu, 20-25 phút làm nghị luận xã hội, ưu tiên thời gian cho câu nghị luận văn học. Dành 5-7 phút cuối đọc lại bài làm để sửa chữa lỗi chính tả nếu có.
PV: Hiện nay một số sĩ tử ôn tập theo kiểu nhận định dạng đề trước. Theo thầy, có nên áp dụng việc này?
ThS Phan Thế Hoài: Một số sĩ tử ôn tập theo kiểu nhận định dạng đề trước là việc nên làm, miễn sao phù hợp với cấu trúc đề thi tham khảo là được. Ví dụ, với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), có thể nhận định dạng đề như: phân tích nhân vật Mị qua một đoạn văn, từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài thể hiện trong đoạn trích.
PV: Để một bài ngữ Văn đạt điểm cao, theo thầy cần có hình thức và nội dung ra sao?
ThS Phan Thế Hoài: Một bài văn, ở đây bàn đến câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Muốn đạt điểm cao, thí sinh phải bảo đảm cả về hình thức lẫn nội dung.
Ví dụ, câu nghị luận xã hội không được viết xuống dòng, không trình bày như một bài văn thu nhỏ. Không viết lạc đề, muốn vậy phải xác định được vấn đề cần nghị luận, sau đó viết chân thành những suy nghĩ, cảm nhận của mình, tránh diễn đạt sáo rỗng, lan man hay hô hào gây nhàm chán cho giám khảo.
Tương tự, câu nghị luận văn học phải viết rõ bố cục mở bài, thân bài, kết bài. Phần thân bài cần chia ra nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn trình bày một luận điểm rõ ràng, tránh viết từ trên xuống dưới sẽ rất rối.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài, trưởng bộ môn Ngữ Văn bậc THPT tại Tp.HCM |
Nội dung bài văn cần viết đúng, viết đủ, chú ý vào nội dung, nghệ thuật, giá trị tư tưởng của tác phẩm, vì phần sáng tạo chỉ chiếm 0,5/5 điểm (dành cho học sinh khá, giỏi). Dĩ nhiên, học sinh có năng khiếu văn chương sẽ có cách phân tích, cảm nhận riêng, giám khảo trân trọng những góc nhìn đó và cho điểm xứng đáng.
PV: Đối với những câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế, sĩ tử cần làm gì để tránh lạc đề và đạt điểm cao?
ThS Phan Thế Hoài: Câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế nếu có sẽ xuất hiện ở câu nghị luận xã hội. Với dạng câu hỏi này, thí sinh cần đưa những dẫn chứng gần gũi, mang tính thời sự, có ý nghĩa với cuộc sống sẽ làm cho bài viết thuyết phục hơn. Không nên lấy dẫn chứng trong tác phẩm văn học – mang tính hư cấu của tác giả.
Muốn làm bài không lạc đề, thí sinh cần đọc kĩ đề, từ đó gạch chân từ khóa trọng tâm. Ví dụ, câu nghị luận xã hội của đề thi tốt nghiệp THPT 2021 hỏi “suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến”, ta có những từ khóa “sự cần thiết”, “sống cống hiến”.
Kinh nghiệm cho thấy, thí sinh nên viết bài văn theo kiểu tổng-phân-hợp (kết hợp diễn dịch và quy nạp) thì bài viết sẽ chặt chẽ. Đoạn văn nhất thiết phải có một dẫn chứng đắt giá. Về dung lượng, cần viết khoảng 2/3 tờ giấy thi hoặc tối đa một tờ giấy thi là đủ.
Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
Tác giả: Nguyễn Lành
Nguồn tin: nguoiduatin.vn