Ngày 18/10, tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017 ở Hà Nội, Ninh Văn Dậu là cái tên được nhiều lần nhắc đến. Thầy giáo trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Krông Pa, Gia Lai) đã 10 năm miệt mài vượt rừng, vượt rẫy đi vận động học trò trở lại trường.
Thầy Ninh Văn Dậu, giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng, tỉnh Gia Lai (áo trắng thứ hai từ trái qua phải). Ảnh: Quỳnh Trang. |
Sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Ninh Văn Dậu tình nguyện đến Gia Lai công tác. Với chàng trai có tâm hồn lãng mạn, mảnh đất Tây Nguyên khi ấy là "miền đất hứa" bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, giàu truyền thống văn hóa.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nơi anh nhận công tác nằm ở Ia HDreh - xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Krông Pa. Khi ấy là năm 2007, trường chưa được xây dựng, phải học nhờ cơ sở khác. Một gia đình địa phương đã cho anh Dậu sống cùng.
"Thời gian đầu ở Ia HDreh tôi bị sốc và thất vọng lắm. Những gì ở đây khác hoàn toàn so với tưởng tượng của tôi. Người dân đều là dân tộc thiểu số, khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, học sinh khi gặp giáo viên không biết chào. Mùa 20/11 đầu đời làm thầy giáo, tôi mang bao háo hức nhưng đã không nhận được dù chỉ một lời chúc mừng, hỏi thăm của học sinh", anh Dậu kể.
Qua tìm hiểu, giáo viên trẻ biết được những thiệt thòi của học sinh vùng núi. Với tư duy chưa tốt và lực học kém, các em phần lớn không coi trọng việc học. Những chàng trai, cô gái ở tuổi 15 thường là lao động chính trong gia đình, hoặc theo tục lệ của địa phương là đến tuổi thành hôn... Lớp 12 nhưng rào cản lớn nhất của các em với việc học hành vẫn là ngôn ngữ. Học sinh viết chữ sai chính tả, đọc văn bản chưa rõ ràng.
Thầy giáo 35 tuổi Ninh Văn Dậu hiện vẫn "độc thân vui vẻ". Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thương học trò, thầy Dậu quyết định ở lại, gắn bó với Ia HDreh. "Tôi có nhiều cơ hội để sang trường ở thị trấn tốt hơn giảng dạy nhưng không muốn đi. Nếu tôi chuyển công tác thì sẽ có giáo viên khác tới Ia HDreh. Nhưng như thế các thầy lại phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu cuộc sống, cách học, phương pháp dạy học sinh nơi này. Các trò của tôi cũng vì thế sẽ bị nhiều thiệt thòi, dang dở trong việc học", người giáo viên 10 năm dạy chữ ở xã miền núi nghèo nói.
Hiểu tâm thế khi đến trường của học trò người dân tộc thiểu số, thầy Dậu không dạy những gì mình có mà dạy thứ học sinh cần. Phương pháp của anh cũng thường xuyên được đổi mới, khi ứng dụng công nghệ thông tin, lúc đan xen vào những câu truyện đời sống... để học sinh hứng thú, dễ tiếp thu bài. Phụ trách quản lý ký túc xá, thầy Dậu thường xuyên hỏi chuyện, tâm sự với học trò. Để hiểu thêm hoàn cảnh gia đình học sinh lớp mình chủ nhiệm, mỗi năm thầy đều cố gắng đến từng nhà các em thăm hỏi, động viên.
Học sinh dân tộc thiểu số nghèo thường bỏ học giữa chừng, em về lao động giúp gia đình, em mắc nạn tảo hôn. Suốt 10 năm qua, thầy Dậu không nhớ nổi bao nhiêu lần đã vượt rừng, lên rẫy, tìm đến tận nhà để vận động học trò trở lại lớp.
"Nhiều gia đình phản đối con đến trường đã không tiếp thầy. Có em nghỉ học cả tháng, tôi phải nhờ cả chính quyền, cựu học sinh khác trong xã đến vận động. Các em học đến lớp 11-12 rồi mà bỏ học thì chính là nỗi đau lớn của giáo viên cắm bản như chúng tôi", thầy Dậu nói.
Tháng 3 vừa qua, thầy Ninh Văn Dậu gây xúc động bởi bài tâm sự khi không giúp được một học sinh quay lại trường. Nhà Ksor Gôl (lớp 12A2) nghèo, thương mọi người đi làm khổ quá, em bỏ học lên rẫy giúp gia đình. "Thầy phải làm gì bây giờ, khi đã hơn một lần thầy cùng tập thể lớp tới nhà tìm hiểu, động viên em? Có lẽ nào thầy đã thất bại hoàn toàn? Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường với lớp, nhất định thầy sẽ vào rẫy lấy em về!", giáo viên Dậu viết (toàn văn chia sẻ của thầy Dậu).
Sau 10 lần vượt đèo núi đến nhà, lên rẫy thuyết phục, cuối cùng người thầy ấy cũng "lấy" được học sinh về trường. Ksor Gôl hiện đã tốt nghiệp THPT.
Thầy Ninh Văn Dậu đón học sinh Ksor Gool trở lại trường học. Ảnh: NVCC. |
Trong số học trò được thầy Dậu đưa trở lại lớp, có những em giờ đã thành cán bộ xã, người làm giáo viên... Với anh, đó chính là phần thưởng ngọt ngào nhất.
Tiền lương ít ỏi lại chăm lo cho người mẹ bị ung thư nhưng thầy Dậu vẫn dành dụm hỗ trợ cho một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thầy tâm niệm, giúp đỡ vật chất nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để các trò hiểu giá trị của việc học tập và nỗ lực vươn lên, cải thiện cuộc sống của mình và gia đình.
"Tôi đánh giá cao tấm lòng cao đẹp, nhân ái của thầy Ninh Văn Dậu trong sự nghiệp trồng người. Việc làm của thầy chắc chắn sẽ lan tỏa trong toàn ngành và toàn xã hội, tạo ra nhiều cảm hứng, niềm tin yêu trong học sinh, sinh viên và những động lực mới trong dạy học cho các thầy, cô giáo trong cả nước", Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ viết trong thư khen ngợi gửi thầy Dậu.
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress