Trong nước

Tháo gỡ “điểm gây tắc nghẽn” trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế

Quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp sắp được Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao ký kết kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ “điểm gây tắc nghẽn” trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, nhất là án về tham nhũng, kinh tế.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc họp (Ảnh: T.K)

Tại cuộc họp về dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp chiều qua (13/12), bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, nhiều vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp chưa được kịp thời thông tin, phối hợp giải quyết đã làm hạn chế hiệu quả hoạt động, chưa đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động tố tụng nói chung, đặc biệt là hoạt động chỉ đạo, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian vừa qua.

“Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là án về tham nhũng, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong quá trình trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; thậm chí còn bị cho là gây tắc nghẽn một số vụ án”- bà Yến nói.

Chính vì thế, Điều 6 dự thảo Quy chế quy định phối hợp trong công tác giám định tư pháp đã nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan phối hợp trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của mỗi cơ quan phối hợp.

Theo đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ ngành cơ quan tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định và tổ chức họp liên ngành giải quyết vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp. Chậm nhất là 5 ngày làm việc trước khi tổ chức họp liên ngành, cơ quan chủ trì phải gửi giấy mời, các tài liệu liên quan đến cơ quan nghiên cứu hoặc cử cán bộ tham gia.

Trường hợp các đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan phối hợp không thống nhất được hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp thì phải báo cáo ngay lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao để thống nhất ý kiến.

Định kỳ 6 tháng và hằng năm, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao tổ chức họp giao ban lãnh đạo để thông tin, trao đổi và thống nhất ý kiến về các vấn đề giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.

VKSND Tối cao chỉ đạo thực hiện việc thống kê về giám định tư pháp trong giai đoạn truy tố vụ án hình sự trong hệ thống viện kiểm sát các cấp và chịu trách nhiệm đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao trên phạm vi toàn quốc và cung cấp cho Bộ Tư pháp phục vụ quản lý giám định tư pháp.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) khẳng định yêu cầu giám định tư pháp hiện nay rất lớn nhưng ngân sách và thiết bị phục vụ công tác giám định hết sức khó khăn.

“Tới đây có những vụ án triển khai chưa biết biện pháp kết luận giám định bằng cách nào. Có những vụ án chúng tôi trưng cầu giám định 3 tháng rưỡi mới có trả lời”- ông Ngọc dẫn ra khó khăn.

Trước những góp ý của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, VKSND Tối cao, bà Đỗ Hoàng Yến hứa sẽ tiến hành rà soát lại dự thảo quy chế này. “Hiện nay đang thiếu quy trình, quy chuẩn nhưng quy trình, quy chuẩn trong các lĩnh vực như xây dựng, tài chính, ngân hàng, y tế, công thương, thuế, dược, tài nguyên- môi trường là không có. Các cơ quan thiếu quy trình, quy chuẩn không nằm trong phạm vi của quy chế này. Quy chế này không giải quyết được tất cả các vấn đề, chỉ tập trung vào một số thôi”- bà Yến lý giải.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị rà soát toàn bộ quy chế một cách kỹ lưỡng để tránh sự trùng lắp với các thông tư do các bộ ngành đang làm. “Cố gắng để ký thông qua quy chế này vào cuối tháng 12/2017 hoặc đầu tháng 1/2018 thì rất tốt để giải quyết công việc”- ông Long nhấn mạnh.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP