Giáo dục

Thanh Hóa: Tạm giao hơn 42 nghìn người làm việc trong các trường học

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định tạm giao số lượng người làm việc trong các trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập trên địa bàn tỉnh này trong năm 2017.

Phân bổ người làm việc tạm giao cho các trường

Thanh Hóa thiếu hơn 1.000 giáo viên trước ngày khai giảng

Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định tạm giao số lượng người làm việc trong các trường Mầm non, Tiểu học, THCS (gọi tắt là các trường) công lập thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là các huyện) và Sở GD-ĐT năm học 2016-2017.

Theo đó, tổng số người được tạm giao là 42.267, trong đó khối Mầm non là 12.253 người; khối Tiểu học là 16.976 người; khối THCS 13.038 người.

Nhiều trường trên địa bàn Thanh Hóa thiếu giáo viên đầu năm học mới


Ông Xứng giao Sở Nội vụ căn cứ nội dung trên, thông báo để Sở GD-ĐT và UBND các huyện biết để thực hiện.

Đồng thời, yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch UBND các huyện căn cứ số lượng người làm việc tạm giao để phân bổ cho các trường công lập thuộc phạm vi quản lý.

Tổ chức thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp, bố trí , điều động (gọi tắt là điều động) cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên hành chính (NVHC) các trường công lập theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và các quy định hiện hành của nhà nước, của UBND tỉnh về quản lý và sử dụng viên chức.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc phân bổ số lượng người làm việc và điều động CBQL, GV, NVHC các trường công lập của Sở GD-ĐT và UBND các huyện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.

"Việc điều động phải công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng"

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn số 9656/ UBND-VX ngày 26/8 về việc điều động CBQL, GV, NVHC các trường công lập. Theo đó, Hội đồng xét duyệt cấp trường căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao; quy định định mức bình quân học sinh/ lớp học, định mức GV, CBQL, NVHC của các trường công lập trên địa bàn tỉnh để xác định GV, CBQL, NVHC dôi dư, lập danh sách báo cáo Chủ tịch UBND huyện.

Nguyên tắc điều động, chỉ thực hiện điều động CBQL, GV, NVHC dôi dư từ trường thừa sang trường thiếu giữa các trường trong phạm vi huyện hoặc giữa các huyện trong tỉnh, đảm bảo phù hợp nhu cầu của các đơn vị trong chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao.

Việc điều động phải công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và đúng quy định của nhà nước cũng như của tỉnh; không sử dụng hình thức bắt thăm trong việc xác định đối tượng điều động; áp dụng hình thức điều động có thời hạn.

Hình thức điều động đối với CBQL là từ trường thừa sang trường thiếu cùng cấp học. Nếu sau khi điều động vẫn còn dôi dư thì tạm thời bố trí đủ số tiết dạy theo quy định cho CBQL đó như đối với GV. Trường hợp không thể bố trí đủ số tiết dạy cho CBQL (do GV cùng bộ môn không thuộc đối tượng điều động theo quy định) thì điều động CBQL đó đến trường khác mà có thể bố trí được đủ số tiết dạy. CBQL dôi dư được điều động đến trường khác để công tác và được giữ nguyên chức vụ.

Đối với GV dạy chưa đủ số tiết định mức theo quy định, tùy vào tình hình thực tế để bố trí dạy liên trường hoặc kiêm nhiệm làm tổng phụ trách đội hoặc làm NVHC tại trường nếu còn thiếu biên chế theo quy định.

GV Tiểu học dôi dư, điều động làm GV hoặc làm NVHC ở những trường Tiểu học hoặc Mầm non còn thiếu biên chế. Đối với GV THCS dôi dư, điều động làm NVHC tại trường (nếu còn thiếu biên chế) hoặc về công tác, giảng dạy tại các trường THCS còn thiếu biên chế theo quy định.

Cụ thể, điều động GV THCS dạy các môn đặc thù như: Nhạc, Thể dục, Mỹ thuật, Ngoại ngữ về giảng dạy tại các trường Tiểu học còn thiếu biên chế; điều động GV THCS dạy môn Toán, Văn về các trường Tiểu học thiếu biên chế theo hình thức bố trí cùng cặp với GV Tiểu học theo hướng ưu tiên lợi thế chuyên môn của GV THCS; sắp xếp làm tổng phụ trách đội hoặc làm NVHC tại các trường Tiểu học thiếu biên chế; điều động về các trường Mầm non còn thiếu biên chế để bố trí làm GV phụ hoặc làm NVHC. Đối với NVHC dôi dư, điều động từ trường thừa đến trường thiếu.

Sau khi điều động, Chủ tịch huyện tổng hợp số cán bộ, GV, NVHC thừa, thiếu theo từng bộ môn, vị trí việc làm của từng huyện gửi Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT để lập phương án điều động trên phạm vi toàn tỉnh, báo cáo Chủ tịch tỉnh xem xét quyết định.

Căn cứ quyết định của Chủ tịch tỉnh về việc điều động, Chủ tịch các huyện còn thiếu tổ chức tiếp nhận và bố trí công tác cho cán bộ, GV, NVHC được điều động về công tác tại các trường còn thiếu trên địa bàn huyện.

CBQL, GV, NVHC được điều động đến đơn vị khác công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao sẽ được cấp có thẩm quyền điều động trở về đơn vị cũ hoặc về đơn vị khác thuận lợi hơn.

Việc điều động giữa các trường trong phạm vi huyện: Từ xã vùng đồng bằng đến các xã miền núi, thời gian điều động đủ 24 tháng; giữa các xã miền núi thời gian điều động đủ 24 tháng; giữa các địa bàn còn lại, thời gian đủ 36 tháng. Điều động giữa các huyện trong phạm vi tỉnh, thời gian điều động đủ 24 tháng.

Những đối tượng không thực hiện việc điều động (trừ trường hợp tự nguyện): Bản thân là thương binh hoặc được hưởng chính sách như thương binh, bị tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật từ 41% trở lên; có vợ/ chồng/ bố/ mẹ là liệt sỹ hoặc thương binh có tỷ lệ thương tật từ 81 % trở lên; bản thân đang trực tiếp nuôi dưỡng bố/ mẹ hoặc vợ. chồng hoặc con bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; có vợ/ chồng/ con bị tàn tật, mất sức lao động từ 81% trở lên; trực tiếp nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nuôi dưỡng bố/ mẹ của liệt sỹ đã già yếu; bản thân có hoàn cảnh đặc biệt như: đang mắc bệnh hiểm nghèo (có hồ sơ bệnh án), nuôi con, nuôi bố mẹ đẻ, vợ/ chồng mắc bệnh hiểm nghèo; cán bộ, viên chức có tuổi đời từ 50 tuổi trở lên đối với nữ, 55 tuổi trở lên đối với nam; có vợ hoặc chồng là quân nhân, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa tạm giao giáo viên, cán bộ, nhân viên cho nhiều cấp học


Những đối tượng chưa xem xét điều động ra huyện ngoài hoặc điều động đến các xã miền núi của huyện đồng bằng, hoặc điều động đến các xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi (trừ trường hợp tự nguyện) như: CBQL, GV, NVHC hiện đang công tác tại các huyện miền xuôi đã có tổng thời gian công tác ở miền núi, biên giới, hải đảo đủ 36 tháng trở lên; đã và đang công tác tại các xã biên giới thuộc các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân đủ 36 tháng trở lên; phụ nữ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Trường hợp cán bộ, GV nam phải nuôi con nhỏ dưới 36 tháng (do vợ mất hoặc lý do khách quan khác) thì cũng được áp dụng như với GV nữ; gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là con độc nhất trong gia đình có bố/ mẹ già từ 80 tuổi trở lên, người trực tiếp chăm sóc bố/ mẹ già tàn tật, ốm đau thường xuyên (có cùng sổ hộ khẩu, có xác nhận của Hội đồng giáo dục nhà trường nơi đang công tác).

Việc thực hiện điều động theo thứ tự sau: Người có tuổi đời ít hơn; người có thời gian công tác ít hơn; nam giới, nữ giới.

Phương thức xét duyệt, ở cấp trường Hội đồng xét duyệt tiến hành xem xét các đối tượng phải điều động theo các tiêu chí nêu trên, lập danh sách báo cáo Chủ tịch huyện; đối với cấp huyện căn cứ danh sách đề nghị của Hội đồng xét duyệt cấp trường, Hội đồng xét duyệt cấp huyện thẩm định trình chủ tịch UBND huyện quyết định.

Tác giả bài viết: Duy Tuyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP