Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở nuôi nhốt gấu, với 4 cá thể gấu ngựa ở thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và huyện Hậu Lộc. Cả 4 cá thể gấu tại các cơ sở trên đều được gắn chíp theo dõi.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 4 cơ sở nuôi nhốt gấu |
Trên cơ sở đề nghị của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) về tăng cường quản lý, chuyển giao các cá thể gấu hiện đang được nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có ý kiến chỉ đạo.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố có các cơ sở nuôi nhốt gấu thành lập tổ liên ngành đến từng hộ gia đình nuôi gấu tuyên truyền, vận động chủ cơ sở tự nguyện giao nộp gấu cho Nhà nước để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao hiệu quả bảo tồn gấu.
Đồng thời, ngành chức năng cũng đã yêu cầu 4 chủ cơ sở cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động nuôi gấu; không sử dụng gấu nuôi vào mục đích chích, hút mật, không để gấu bị đói, rét, ốm chết không rõ nguyên nhân.
Sau khi được tuyên truyền, vận động, các chủ nuôi đã đồng ý chuyển giao gấu cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã khi có kế hoạch của Nhà nước và đề nghị được hỗ trợ một phần kinh phí trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc.
Chi cục Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, quản lý các cơ sở nuôi nhốt gấu theo định kỳ, hoặc đột xuất nhằm đảm bảo các điều kiện về vệ sinh chuồng trại, chế độ chăm sóc.
Qua kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, các cá thể gấu đều khỏe mạnh, sinh trưởng bình thường, không ốm đau, dịch bệnh, chuồng trại kiên cố, đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi; các cơ sở nuôi gấu đều ký cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, nuôi nhốt gấu, đặc biệt không chích, hút, lấy mật, di chuyển gấu ra khỏi địa phương.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí