Trả lời chất vấn giữa 2 kỳ họp Quốc hội là hoạt động theo thông lệ, thường được UB Thường vụ Quốc hội tiến hành vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm.
Cũng giống như phiên chất vấn trước toàn thể Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại UB Thường vụ Quốc hội cũng dành cho tất cả các đại biểu Quốc hội tham gia nhưng được thực hiện từ 63 điểm cầu trực tuyến ở các tỉnh thành. Sau từ 3-5 người đặt câu hỏi, thì người trả lời chất vấn sẽ trả lời trực tiếp. Thời gian dành cho người chất vấn thường không quá 2 phút/lần.
Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn là người trả lời chất vấn tại phiên họp gần đây của UB Thường vụ Quốc hội |
Phiên họp thứ 22 của UB Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 12-16/3 tới đây, sẽ có 1 ngày được dành cho phiên chất vấn với hai thành viên Chính phủ được chọn đăng đàn.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cơ quan chuẩn bị đã tham mưu, đề nghị UB Thường vụ Quốc hội cho phép tiến hành thí điểm việc "chất vấn và trả lời chất vấn ngay". Theo đó, điểm mới trong kiểu chất vấn này là đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, không quá 1 phút/lần. Người bị chất vấn cần trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, không quá 3 phút/lần.
Chất vấn kiểu "hỏi nhanh đáp gọn" này được thí điểm để làm cơ sở rút kinh nghiệm cho việc thực hiện hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6 của Quốc hội, sẽ diễn ra trong năm 2018.
Đến thời điểm này, phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có văn bản phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị nhiều nội dung cho phiên họp thứ 22, 23 của UB Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trong bản phân công nhiệm vụ đó chưa đề cập thông tin vị Bộ trưởng/Trưởng ngành nào sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại UB Thường vụ Quốc hội ít ngày tới.
Cụ thể, đối với Phiên họp thứ 22 (từ ngày 12 - 16/3/2018), Thủ tướng phân công Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật cảnh sát biển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về một số nội dung dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chuẩn bị Báo cáo về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật đo đạc và bản đồ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp chuẩn bị Báo cáo về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật cạnh tranh.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật quản lý phát triển đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng chuẩn bị.
Tổng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Đối với phiên họp thứ 23 (từ ngày 10 - 18/4/2018), Thủ tướng phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chuẩn bị Báo cáo (lần 2) về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật đơn vị - hành chính kinh tế đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Công an chuẩn bị Tờ trình về dự án Luật đặc xá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa nhà nước giai đoạn 2011-2016"; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Tờ trình của Chính phủ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về các đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật chăn nuôi; Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật trồng trọt.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật dân số do Bộ trưởng Bộ Y tế chuẩn bị.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí