Thế giới

Thảm kịch hàng trăm lao động Thái Lan chết ở Hàn Quốc

Cái chết của hàng trăm lao động Thái Lan ở Hàn Quốc đã bị Quỹ Thomson Reuters phanh phui, khiến Liên Hợp Quốc kêu gọi điều tra về số phận của những người di cư này.

Một lao động Thái Lan làm việc tại nông trại gần Mokpo, Hàn Quốc, tháng 11.2020. Ảnh: AFP

Ít nhất 522 người Thái Lan đã chết ở Hàn Quốc kể từ năm 2015 - 84% trong số đó không có giấy tờ - theo dữ liệu từ đại sứ quán Thái Lan tại Seoul thu thập được thông qua yêu cầu tự do thông tin (FOI).

Bốn trong số 10 trường hợp tử vong được ghi nhận là không rõ nguyên nhân trong khi những người khác liên quan đến sức khỏe, tai nạn và tự tử.

Số lượng lao động tử vong đạt mức cao kỷ lục hàng năm trong năm nay - 122 người tính đến giữa tháng 12 - theo dữ liệu mới được tiết lộ từ đại sứ quán Thái Lan, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tác động của đại dịch COVID-19 đối với các điều kiện lao động.

Trong giai đoạn từ năm 2015-2018, 283 người Thái Lan đã chết ở Hàn Quốc - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nước ngoài nào khác, theo dữ liệu thu được thông qua yêu cầu FOI cho Bộ Ngoại giao Thái Lan.

Nilim Baruah, chuyên gia về di cư lao động tại Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO) cho biết: “Dữ liệu này đáng lo ngại và cần được chú ý và điều tra. Người lao động nhập cư không có giấy tờ là những người ít được bảo vệ nhất, sức khỏe và sự an toàn của họ là một mối quan ngại”.

Theo các nhà vận động và các quan chức Thái Lan, hàng chục nghìn người di cư không có giấy tờ ở Hàn Quốc đã làm việc quá sức, không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và không muốn khai báo vì sợ bị trục xuất.

Các nhà hoạt động cho biết, dữ liệu về cái chết của người di cư không được chính phủ công khai nên có rất ít sự chú ý về điều kiện lao động để cải thiện tình hình trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhiều lao động nước ngoài gặp rủi ro hơn.

Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IOM) bày tỏ “lo ngại” về dữ liệu do Thomson Reuters Foundation tiết lộ và đang theo dõi tình hình.

Bộ Lao động, Tư pháp và Ngoại giao Hàn Quốc từ chối bình luận về dữ liệu. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bangkok không trả lời yêu cầu bình luận.

Số liệu từ Bộ Ngoại giao Thái Lan cho thấy, ít nhất 460.000 người Thái Lan làm việc ở nước ngoài, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Hàn Quốc là điểm đến hàng đầu, nơi sinh sống của khoảng 185.000 người Thái di cư, do có thể kiếm được nhiều hơn đáng kể so với những gì họ sẽ nhận được ở Thái Lan.

Trong khi thỏa thuận du lịch miễn thị thực giữa hai quốc gia được thiết lập vào năm 1981, các chuyên gia lao động cho hay, nhiều người Thái đã đến Hàn Quốc để làm việc trước Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 và cuối cùng ở lại làm lao động không có giấy tờ tại các nhà máy và trang trại.

Công việc khó khăn và bẩn thỉu

Đại sứ quán Thái Lan tại Seoul cho biết, khoảng 1/10 trong số 185.000 người Thái Lan nhập cư ở Hàn Quốc làm việc hợp pháp thông qua chương trình cấp phép việc làm (EPS).

Phần còn lại là những người di cư không có giấy tờ hợp pháp - được gọi là “phi noi” có nghĩa là “bóng ma nhỏ” trong tiếng Thái - những người trả cho các công ty môi giới ở Thái Lan phí tuyển dụng khổng lồ để tổ chức việc làm ở nước ngoài. Khoản thanh toán có thể bao gồm các chuyến bay và chỗ ở tại Hàn Quốc.

Người lao động Thái Lan không có giấy tờ ở Hàn Quốc bị trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu và làm việc nhiều ngày trong điều kiện khó khăn, từ bẩn thỉu đến nguy hiểm. Ảnh: AFP

Những người di cư này - không có giấy tờ tùy thân sau khi ở quá hạn 90 ngày đối với du lịch miễn thị thực đối với người Thái ở Hàn Quốc - cho biết, họ có thể kiếm được ít nhất 1,2 triệu won (gần 1.100 USD) một tháng, cao hơn gấp ba lần mức lương tối thiểu ở Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cho hay, các đại sứ quán Thái Lan có trách nhiệm bảo hộ người Thái bất kể tình trạng của họ như thế nào, nhưng việc tiếp cận với những người lao động không có giấy tờ là rất khó.

Đại sứ quán Thái Lan tại Seoul tổng hợp dữ liệu về cái chết của người di cư dựa trên báo cáo của bệnh viện hoặc cảnh sát về những cái chết xảy ra tại nơi làm việc hoặc nhà riêng. Tất cả các trường hợp tử vong đều được khám nghiệm tử thi nhưng kết quả không được công khai, theo đại sứ quán.

Quan chức Thái Lan Bancha Yuenyongchongcharoen tại đại sứ quán ở Seoul nói: “Nhiều lao động bất hợp pháp Thái Lan chết bất ngờ khi đang ngủ, có thể do làm việc quá sức và các vấn đề sức khỏe cá nhân mà không có thuốc điều trị thích hợp. Những người này làm những công việc nặng nhọc và bẩn thỉu và không được tiếp cận với cơ sở y tế của nhà nước”.

“Chúng tôi là những bóng ma nhỏ”

Thomson Reuters Foundation đã nói chuyện với bảy lao động nhập cư Thái Lan hiện tại và trước đây không có giấy tờ ở Hàn Quốc, họ nói bị trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu và làm việc nhiều ngày trong điều kiện khó khăn, từ bẩn thỉu đến nguy hiểm.

Nid - người không cho biết tên thật của mình vì sợ bị trả thù - đang làm công việc dọn dẹp trong một nhà nghỉ ở thành phố Cheongju thì bị ốm vì sốt vào tháng Bảy.

Làm việc theo ca 15 tiếng với chỉ một ngày nghỉ mỗi tháng - vi phạm luật lao động Hàn Quốc - cô gái 32 tuổi này cho biết, những cơn sốt khiến cô không thể làm việc trong gần 4 tháng.

Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ đi ngủ và không bao giờ thức dậy” - Nid nói. Hiện Nid đang làm nghề mát-xa - công việc thứ 10 của cô kể từ năm 2016 sau khi trả cho người môi giới 100.000 baht (3.300 USD) để tìm việc ở Hàn Quốc.

Nid cho biết, cô đã liên lạc với đại sứ quán Thái Lan tại Seoul sau khi bị ốm và yêu cầu được hỗ trợ để về nước. Cô nói mình đã được đưa vào danh sách chờ - hiện có khoảng 10.000 người Thái ở Hàn Quốc.

Một số tổ chức, chẳng hạn như Trung tâm Phúc lợi Di cư Thành phố Namyangju, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người di cư không có giấy tờ. Tuy nhiên, họ cho biết đại dịch đã làm gián đoạn dịch vụ của họ.

Lee Young, một linh mục làm việc với nhóm nói: “Ví dụ, có nhiều công nhân không giấy tờ cần thuốc điều trị bệnh tiểu đường, nhưng vì chúng tôi không thể triển khai các dịch vụ miễn phí ngay bây giờ do COVID-19, nên tình trạng của họ đang trở nên tồi tệ hơn”.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc nói với Thomson Reuters Foundation rằng, những người di cư không có giấy tờ có thể tự nguyện rời khỏi đất nước mà không bị bất kỳ hình phạt nào sau khi đại dịch bùng phát, nhưng cho hay lựa chọn này đã kết thúc vào tháng Sáu.

Đại sứ quán Thái Lan tại Seoul cho biết đã giúp ít nhất 10.000 người di cư từ Hàn Quốc trở về Thái Lan trong năm nay.

Ngoài vòng bảo vệ của pháp luật

Bộ Lao động Thái Lan cho hay, những người di cư đến Hàn Quốc thông qua EPS - và gia đình của họ - được chính phủ bồi thường trong trường hợp ốm đau hoặc tử vong.

Suchat Pornchaiwiseskul, người đứng đầu bộ phận việc làm của Bộ nói: “Vấn đề là hầu hết mọi người là lao động bất hợp pháp và do đó nằm ngoài sự bảo vệ của luật pháp”

Chính phủ Thái Lan đã áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn công dân làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài trong những năm gần đây, chẳng hạn như sản xuất video giáo dục và đóng cửa các trang web tuyển dụng trực tuyến vô đạo đức.

Nhưng các nhà vận động quyền lao động cho rằng, các biện pháp như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề di cư bất hợp pháp và thúc giục chính phủ Thái Lan tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân làm việc hợp pháp ở nước ngoài.

Một cựu lao động nhập cư - yêu cầu được giấu tên - cho biết, ông ta đã trả 120.000 baht (gần 4.000 USD) cho một nhà môi giới Thái Lan vào năm 2014 để xin việc ở Hàn Quốc, nhưng cuối cùng làm việc tại một trang trại lợn ở phía đông nam thành phố Daegu, nơi ông ta không được nghỉ ngày nào.

Khi không được trả lương sau ba tháng, người đàn ông 51 tuổi quyết định bỏ trốn. Trước khi rời đi, ông ta đã viết một tin nhắn bằng tiếng Thái trên tường phòng ngủ của mình để cảnh báo những người khác: “Gửi những người bạn Thái Lan: Nếu bạn được cử đến làm việc ở đây, hãy cẩn thận rằng bạn sẽ không được trả lương”.

Tác giả: NGỌC VÂN

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP