Du lịch

Thăm Çanakkale, thành phố nổi tiếng với con ngựa thành Troy

Nếu từng xem phim Cuộc chiến thành Troy, bạn có bao giờ tự hỏi chú ngựa khổng lồ đã khiến người Troy thất bại trước quân lính Hy Lạp có tồn tại hay không. Nếu có bạn hãy một lần ghé thăm thành phố Çanakkale.

Chú ngựa trong bộ phim Cuộc chiến thành Troy sản xuất năm 2004 - Ảnh: Kim Ngân

Chỉ cách thành Troy cổ xưa khoảng 30km, thành phố cảng Çanakkale, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có khoảng 200.000 cư dân sinh sống, nằm đối mặt với eo biển Dardanelles, tuyến đường hàng hải quan trọng nối liền biển Aegean và Marmara.

Tên eo biển bắt nguồn từ cái tên Dardanus của thành phố cổ nằm bên bờ biển phía châu Á, đây cũng chính là tên của Dardanus - con trai thần Zeus và Electra.

Tôi đến Çanakkale vào một chiều thu khi sắc thiên thanh như một mảng màu dần bị không khí trầm mặc của miền đất này hút lấy. Hai kẻ lữ khách từ nơi xa lạ dạo bộ trên bến cảng, thi thoảng bờ vai lại khẽ run khi cơn gió lạnh từ biển thổi vào.

Lũ mèo và chó hoang nhở nhơ trong khi loài hải âu đang nháo nhào bay lượn gần thuyền bè neo đậu dập dờn trên sóng nước.

Ngay trên bến cảng là chú ngựa gỗ (Truva Heykeli) trong bộ phim Cuộc chiến thành Troy của đạo diễn Petersen với sự tham gia của tài tử Brad Pitt, Eric Bana, Orlando Bloom trở thành điểm tham quan hấp dẫn của du khách.

Gần đấy là mô hình thành Troy được phân chia từ Troy I đến Troy IX bảo quản cẩn thận trong lồng kính cho du khách dễ tham khảo.

Bến cảng ở thành phố Çanakkale - Ảnh: Kim Ngân

Tháp đồng hồ Saat Kulesi - biểu tượng của thành phố - Ảnh: Kim Ngân

Bức tượng của đô đốc Piri Reis - Ảnh: Kim Ngân

Tôi sẽ chẳng bao giờ biết đến đô đốc Piri Reis (1470-1554) nếu không nhìn thấy bức tượng ông nằm cách chú ngựa gỗ không xa.

Piri là vị chỉ huy quan trọng của lực lượng hải quân trong triều đại Ottoman và còn là một trong những nhà khoa học tài giỏi về ngành hàng hải thời bấy giờ.

Bản đồ Piri Reis được mô phỏng lại phiên bản gốc mà ông vẽ năm 1513 trên da linh dương về khu vực bờ biển phía đông Châu Phi và Nam Mỹ được đặt ngay trên bờ biển.

Cách tốt nhất để khám phá thành phố Çanakkale là đi bộ dọc bến cảng ngắm nhìn những kiến trúc ven biển và lặng lẽ quan sát cuộc sống bình lặng ở một thành phố xa lạ. Sau đó ghé thăm những con phố nườm nượp khách bộ hành với đầy rẫy hàng quán và ngôi chợ với các mặt hàng phong phú.

Và nếu đã đến đây, bạn chớ bỏ qua tháp đồng hồ năm tầng thời Ottoman xây dựng từ năm 1897. Biểu tượng của thành phố này còn có tên gọi khác là Saat Kulesi.

Một nhà buôn và cũng là quan chấp chính người Ý đã để lại 100.000 đồng francs vàng trong di chúc để xây tháp. Xung quanh khu vực tháp là những ngôi nhà với kiến trúc bắt mắt luôn tấp nập người qua lại.

Khu vực đi bộ hấp dẫn của thành phố không xa bến cảng - Ảnh: Kim Ngân

Người bán hải sản trên bến cảng - Ảnh: Kim Ngân

Lâu đài Kilitbahir nhìn qua eo biển Dardanelles - Ảnh: Kim Ngân

Ngồi trước bến cảng trong chiều thu, mắt tôi không ngừng hướng về một điểm hấp dẫn của thành phố - lâu đài Kilitbahir vốn là một pháo đài - nằm đối diện thành phố Çanakkale qua eo biển Dardanelles.

Lâu đài được hoàng đế Ottoman là Mehmet xây dựng năm 1463 và được gọi là “khóa biển” với mục đích phòng thủ bảo vệ eo biển Dardanelles.

Tôi nhớ như in cảm giác choáng ngợp trước sự hùng vĩ và tráng lệ của Istanbul trên con tàu đưa mình từ bờ Á sang bờ Âu.

Nhưng khi con tàu lênh đênh trên sóng nước vượt eo biển Dardanelles từ giã phương Đông để bước qua lục địa già phương Tây, Çanakkale để lại trong tôi cảm giác lưu luyến bởi chính sự khiêm nhường và giản dị của mình.

Một nhà hàng ngay trước biển - Ảnh: Kim Ngân

Người bán hàng lưu niệm cho du khách ngay trên bến cảng - Ảnh: Kim Ngân

Món bánh hấp dẫn kèm theo bùa mắt quỷ màu xanh - một tín ngưỡng độc đáo của người Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Kim Ngân

Tác giả bài viết: Kim Ngân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP