Cuộc sống

Tết đã hết mà tôi vẫn rầu rĩ cả người vì hành động của chị dâu sau khi mừng tuổi cho các cháu

Chỉ vì chê số tiền mừng tuổi ít, chị dâu bĩu môi, ném thẳng phong bao lì xì trước mặt khiến tôi không khỏi sốc.

Tôi vừa gõ những dòng này mà lòng đầy uất ức dù Tết đã hết. Đầu năm, không dám bù lu bù loa lên nhưng không chịu nổi nên đành để gần hết Tết mới dám xả stress bằng mấy dòng chữ chia sẻ với mọi người. Chuyện của phụ nữ dịp Tết có gì khác ngoài bếp núc, mua sắm, mừng tuổi, dọn cơm... luẩn quẩn rồi nảy sinh nhiều câu chuyện oái oăm mà bản thân cũng không bao giờ ngờ được.

Đây là năm đầu tiên, tôi về làm dâu nhà chồng. Cái Tết đầu tiên với biết bao bỡ ngỡ và lo lắng. Nhưng tôi đều cố gắng chuẩn bị tâm lý và lường trước mọi tình huống để có cái Tết đầu tiên thật êm ấp và đẹp mặt chồng cũng như nhà chồng.

Sáng mùng 1 Tết, theo truyền thống gia đình, cả nhà chồng tôi tụ tập để mừng tuổi cho ông bà, ông bà lì xì cho con cháu. Tôi là người đơn giản, có lòng là được nên không hề câu nệ chuyện tiền bạc nhiều hay ít. Nhưng bà chị dâu tôi thì không phải vậy.

Mặc dù, chị dâu cũng đối xử với mọi người chẳng có gì đặc biệt nhưng luôn muốn người khác phải coi trọng, dành sự quan tâm. Vì vậy, nhìn thấy chị ấy là không toát lên sự thoải mái, thong thả dù tiền bạc không thiếu.

Ở gia đình tôi, việc mừng tuổi rất đơn giản, chỉ là phong tục đẹp trong nhà. Cho nên, bên trong phong bao có bao nhiêu tiền hoàn toàn là việc tùy tâm. Chính tôi cũng không hề suy nghĩ về giá trị khi cho tờ 50.000 đồng vào trong phong bao để lì xì cho con nhà anh cả. Sau khi tôi lì xì, các cháu kéo ra và chị dâu ngay lập tức lườm nguýt tỏ vẻ không hài lòng.

Khi bữa cơm trưa mùng 1 Tết vừa xong, tôi đang ru con ngủ thì chị dâu chạy xồng xộc vào ném thẳng hai phong bao lì xì nguyên cả tờ tiền bên trong xuống giường. Chị dâu khoanh tay vẻ mặt thách thức nói xa xả vào mặt: "Cả năm mới về quê chồng, lì xì cho các cháu có mấy chục ngàn bạc, cô xem có cắn rứt lương tâm không. Nhà tôi không thiếu tiền, mấy chục bạc thì cô cứ cầm về mua bánh cho các cháu chứ mừng tuổi làm gì cho rách việc...".

Tôi ngớ người về hành động đầu năm của chị dâu nhưng vẫn cố giữ vẻ ôn tồn do không muốn đầu năm trong nhà đã có xích mích và cãi cọ. Tôi bảo: "Em muốn các cháu có tiền lì xì mới, nhiều thì gia đình em không có nên đành mừng tuổi như vậy. Em nghĩ lì xì là lấy may chứ ai cầu mong giàu sang hay đo lòng người gì qua chuyện này đâu chị. Đầu năm có gì bỏ qua chị nhé".

Chị dâu tôi được đà lấn tới lại quát tháo, cho rằng vợ chồng tôi ở thành phố không coi ai ở quê ra gì. Tôi cố gắng giải thích nhưng chị dâu vẫn nói lớn tiếng còn yêu cầu hai đứa con không được cầm phong bao của tôi. Nếu mà chúng cầm sẽ bị ăn đòn ngay...

Từ thuở cha sinh mẹ đẻ rồi lấy chồng, làm dâu, tôi không hề ngờ có ngày hôm nay. Tôi buồn vì câu chuyện mừng tuổi tự nhiên bị biến thành những tranh cãi không đáng có. Giờ tôi mới biết, số tiền mừng tuổi bao nhiêu lại thể hiện tấm lòng và thành ý của mình với người khác.

Cả ngày mùng 1 Tết, không khí nhà tôi nặng nề. Mẹ chồng có vẻ biết chuyện tranh cãi nhưng cũng không đứng ra phân xử. Tôi muốn không khí vui vẻ, còn chị dâu vẫn giữ vẻ mặt hằn học. Tôi vào bếp động vào thứ gì cũng xua đuổi và nói mỉa mai.

Năm mới, tôi nghĩ tại sao lại bị phá vỡ cái niềm vui nho nhỏ với một quan điểm và thái độ như vậy. Không biết có gia đình nào có suy nghĩ như chị dâu tôi không? Thậm chí, hôm nay mùng 5 Tết, vợ chồng tôi về lại thành phố để mai đi làm. Khi chào chị dâu, chị dâu còn không thèm đáp lại vì vẫn giận phong bao lì xì từ mấy ngày trước.

Tôi xét thấy mình chẳng có gì sai cả nên tôi cũng gan lì không làm lành với chị dâu. Nhưng nói thật, hết Tết rồi mà vì chuyện này khiến tôi vẫn đang chán nản và buồn quá.

Tác giả: Phương Nga

Nguồn tin: emdep.vn

  Từ khóa: chị dâu , em chồng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP