Kinh tế

Tết buồn tại “thủ phủ” chăn nuôi heo

Những ngày này, thay vì tất bật chuẩn bị tết, người chăn nuôi heo tại Đồng Nai như đang ngồi trên lửa vì vụ heo tết đã đến tuổi xuất chuồng nhưng không biết bán cho ai. Một cái tết buồn đang đến với người chăn nuôi heo.

Xếp hàng để được… bán lỗ

Vừa mới xuất lứa heo tết được 1 tuần nhưng ông Bùi Văn Giáng (ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) lại cảm thấy buồn rầu. Ông chia sẻ: “Mọi năm bán heo để sắm tết, nhưng năm nay thua lỗ thế này nên giờ gia đình cũng chẳng còn tâm trạng để đón tết”.

“Mỗi con heo bán ra tôi lỗ khoảng 1,5 triệu đồng”, ông Giáng buồn rầu cho biết. Theo ông Giáng, với 30 con heo, mỗi con khoảng 110kg vừa được bán với giá 27.000 đồng/kg, ông thu về khoản lỗ hơn 40 triệu đồng. Thế nhưng, theo như người đàn ông này, bán được heo vào thời điểm này cũng là mừng lắm rồi.

“Giờ heo đến tuổi xuất bán mà không ai mua thì càng nuôi sẽ càng lỗ. Trong khi gần 1 tháng nay các thương lái chỉ đến trả giá rồi bỏ đi mà không mua. Để bán được 30 con heo vừa rồi, tôi cũng đã phải gọi đến 6,7 lái mới bán được”, ông Giáng cho biết.

Khoảng 1 tháng nay, nhiều hộ chăn nuôi heo tại huyện Thống Nhất, “thủ phủ” chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai, địa phương có tổng đàn heo lớn nhất nước đang đứng ngồi không yên bởi giá thu mua heo đang giảm từng ngày. Thê thảm hơn, nhiều hộ dù chấp nhận bán lỗ nhưng thương lái cũng không ngó ngàng hỏi mua, người nuôi phải xếp hàng đợi đến lượt để được thương lái mua heo.

Một cái tết buồn đang đến với người chăn nuôi heo tại Đồng Nai khi giá heo “chạm đáy” trong 10 năm qua

“Chỉ cách đây ít tháng, các thương lái còn phải đi lùng sục để mua heo, chỉ cần nhà nào có heo bán là các lái tranh nhau mua. Thế nhưng hiện nay các thương lái ung dung đi xem heo rồi hẹn ngày mới bắt, muốn bán được nhanh thì phải hạ giá bán”. Đối với những hộ không chấp nhận giá mua của thương lái thì chỉ còn cách “ôm heo” chờ giá!”, bà Bùi Thị Nhị (ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) nói.

Tại trại heo của gia đình bà Nhị hiện có 100 con heo đến tuổi xuất bán, dù đàn heo thuộc diện heo đẹp (khoảng 1,1 tạ/con) nhưng thương lái chỉ trả giá 31.000 đồng/kg. Theo bà Nhị, giá bán này quá thấp và nếu bán sẽ thiệt hại nặng nên bà đang tiếp tục nuôi để chờ giá lên.

“Nếu bán với giá như thương lái trả hiện nay thì không đủ tiền cám cho heo ăn, nhưng nếu cứ tiếp tục nuôi mà lỡ giá không tăng thì cũng sẽ ôm lỗ lớn hơn”, bà Nhị lo lắng cho biết.

Hậu quả từ việc… nhà nhà nuôi heo

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá thu mua heo hơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong khoảng 1 tháng trở lại đây liên tục giảm. Hiện giá thu mua heo loại đẹp từ 90 kg đến 1,1 tạ khoảng 32.000 đến 33.000 đồng/kg, đối với loại heo mỡ từ 1,1 tạ trở lên chỉ có giá khoảng 24.000 đến 25.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất được ghi nhận trong vòng 10 năm qua.

“Với giá heo như hiện nay thì nuôi kiểu gì người nuôi vẫn cứ lỗ. Đối với các hộ tự sản xuất con giống, tự phối trộn thức ăn, nuôi đúng kỹ thuật, heo không bị hao hụt, không dịch bệnh thì giá sàn cũng phải đạt từ 35.000 đến 36.000 đồng/kg mới hòa vốn. Đối với người nuôi phải đi mua giống, mua cám chịu thì chi phí sẽ còn cao hơn”, ông Đoán phân tích.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, nguyên nhân khiến giá heo giảm thê thảm như hiện nay vẫn là do người chăn nuôi đua nhau tăng đàn trong khi chưa chủ động được đầu ra.

Khoảng 2 năm trở lại đây, giá heo ổn định ở mức cao, có thời điểm giá heo lên cao ngất ngưỡng, đạt đến 55.000 đồng/kg như cách đây 7 tháng khiến người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn. Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nếu như 2 năm trước tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ khoảng 1,3 triệu con thì hiện nay con số này đã lên đến 1,8 triệu con.

Trong khi đó, đầu ra chủ yếu của heo Việt Nam vẫn là thị trường Trung Quốc (tiêu thụ khoảng 40% sản lượng heo trong nước) nên khi thị trường này đóng cửa không nhập heo như hiện nay thì giá heo liên tục giảm.

“Hơn 1 tháng trước, mỗi ngày Đồng Nai xuất đi Trung Quốc khoảng 3.000 con heo nhưng hiện tại mỗi ngày chỉ có khoảng 200 đến 300 con heo được xuất đi. Lượng heo xuất đi giảm khiến lượng heo tồn tăng cao nên giá giảm”, ông Đoán cho biết.

Đặc biệt, tình trạng tăng nóng đàn heo hiện không chỉ xuất phát từ người chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn xuất phát từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Theo ông Đoán, đây mới là nguồn tăng đáng kể nhất khiến tổng đàn tăng cao như hiện nay.

“Nếu nông hộ nhỏ lẻ tăng đàn thì số lượng tăng không nhiều nhưng hiện theo như tôi biết rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đang đổ vốn vào chăn nuôi. Nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ đơn thuần sản xuất cám chăn nuôi giờ cũng đi… nuôi heo. Tất nhiên, với tiềm lực tài chính mạnh, các doanh nghiệp tập đoàn lớn khi tăng đàn là tăng với số lượng hàng trăm ngàn con”, ông Đoán chia sẻ.

Đề nghị không tăng giá thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi

Trước tình cảnh bi đát của người chăn nuôi heo, mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn can thiệp để các công ty thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi không tăng giá sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, trong 10 năm trở lại đây, chưa khi nào ngành chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn như hiện nay do giá bán heo hơi xuống thấp lỷ lục. Giá heo hiện tại (tháng 1/2017) chỉ còn từ 26.000-30.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 37.000 – 40.000 đồng/kg. Như vậy, khi một con heo xuất chuồng, trung bình người chăn nuôi lỗ trên dưới 10.000 đồng/kg heo hơi. Với tình hình này, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi đã phải giảm đàn, thậm chí ngừng nuôi vì thua lỗ nặng.

Trong khi mọi sản phẩm chăn nuôi bán ra đều giảm, nhưng giá các loại đầu vào chỉ có con giống là giảm, nhưng không đáng kể, còn lại thức ăn, thuốc thú y, điện, nước… đều tăng, kéo theo chi phí chăn nuôi tăng cao đã đẩy nhiều hộ chăn nuôi đến bờ vực phá sản.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đa số các công ty cung cấp thuốc thú y đều tăng giá tại thời điểm này, thấp nhất là 3,5% và cao nhất là 17%, dẫn đến các hộ chăn nuôi đã khó khăn nay lại càng khốn đốn hơn.

Chính vì vậy, Hiệp hội kêu gọi các công ty kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi ở thời điểm hiện tại bằng cách không tăng giá bán cho đến khi giá cả bán heo được bình ổn trở lại, nhằm giúp cho người chăn nuôi có cơ hội tiếp tục duy trì sản xuất ổn định trong thời gian sắp tới.

Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn can thiệp để các công ty thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi không tăng giá vào thời điểm này nhằm chia sẻ khó khăn và giúp người chăn nuôi vượt qua thời điểm vô cùng khó khăn hiện nay.

Tác giả bài viết: Vĩnh Thủy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP