Cuộc sống

Tê tay - cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Tê tay là một hiện tượng khá quen thuộc. Tuy nhiên, nếu điều này thường xuyên xảy ra, hãy cẩn thận vì bạn có thể mắc phải những bệnh nguy hiểm.

Nếu bị tê tay thường xuyên có thể bạn đã mắc một chứng bệnh nguy hiểm nào đó. Ảnh minh họa


Ai trong đời cũng từng bị chứng tê tay hành hạ, những khó chịu này sẽ tự động biến mất khi vận động, xoa bóp, nhưng nếu tình trạng này kéo dài nhiều lần với tuần suất tăng cao, nhất là sáng sớm lúc ngủ dậy thì có thể bạn đang mắc một trong những căn bệnh sau:

Thoái hóa cột sống cổ

Bệnh thường gặp ở những người tuổi trung niên và một trong các triệu chứng đặc trưng là ngón tay bị tê cứng.

Hiện nay, nhiều người trẻ tuổi cũng sớm mắc căn bệnh này, đặc biệt ở những người ngồi nhiều, ít vận động, tư thế ngồi không đúng, hay thường xuyên cúi đầu sử dụng máy vi tính hoặc điện thoại.

Thoái hóa cột sống cổ có những biểu hiện đa dạng, trong đó có triệu chứng tê tay. Vì thế hãy lưu ý nếu tê tay kèm theo các cơn đau, phạm vi tê lan rộng ở cánh tay, bả vai, đau nhức lưng… và đặc biệt nếu các triệu chứng này biểu hiện rõ ràng sau khi ngủ dậy.

Các dây thần kinh bị chèn ép ngay đốt sống cổ do tư thế ngủ khiến mạch máu không lưu thông đến tay là một trong những nguyên nhân gây tê. Tuy nhiên ,đó chỉ là nguyên nhân thường gặp ở những người có tư thế ngủ không tốt.

Làm việc trước máy tính quá lâu, lười vận động mới là nguyên nhân chính khiến bạn bị tê tay. Ban đầu người bệnh chỉ có dấu hiệu tê các đầu ngón tay, bệnh tiến triển nặng khiến triệu chứng kéo dài, thường xuyên gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động và làm việc hằng ngày. Khi có các triệu chứng trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác tình trạng căn bệnh.

Tiểu đường

Tình trạng tiểu đường nặng sẽ dẫn đến tổn thương dây thần kinh ngoại biên, đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng tê bì tay chân.

Tiểu đường khiến lượng cholesterol trong máu tăng cao, kết hợp với các tế bào xấu trong máu hình thành các mảng xơ vữa chắn ngang lòng mạch gây tắc nghẽn lưu thông máu đến tay, lâu ngày làm cho các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu không được chữa trị phù hợp, người bệnh sẽ xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Khi mắc bệnh, bạn cần lưu ý khống chế lượng đường trong mức quy định, bổ sung thêm các loại vitamin, phối hợp sử dụng dược phẩm cải thiện tuần hoàn máu. Khi đó, hiện tượng tê bì tay chân sẽ dần biến mất.

Thiếu máu não cục bộ

Tê tay kèm theo các triệu chứng choáng váng, mệt mỏi, nhức đầu, mắt mờ diễn ra trong thời gian ngắn thì phải nghi ngờ ngay bản thân bị thiếu não cục bộ. Tuy tình trạng này không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe và có thể phục hồi trong vòng 24 giờ nhưng nếu không chữa trị, nguy cơ tai biến mạch máu não rất cao.

Viêm dây thần kinh ngoại biên

Khi có dấu hiệu các ngón tay tê bì, đau nhức, khó vận động, cơn tê xuất hiện đều ở hai tay, rất có thể bạn đã bị viêm dây thần kinh ngoại biên. Căn bệnh này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên biểu hiện lâm sàng cũng rất đa dạng. Nếu viêm dây thần kinh do trúng độc, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức. Nếu bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng và trao đổi chất, cảm giác tê bì, khó cử động sẽ rõ rệt hơn. Bệnh tình thường diễn biến chậm, hồi phục khó khăn.

Bệnh tim

Nguy cơ bạn bị mắc bệnh tim rất cao nếu sau khi ngủ dậy chứng tê tay tăng cao. Ngoài tê tay, các khớp nhỏ như chân, tay, mắt cá sưng to, đau nhức khiến bạn cảm thấy khó chịu và đau khi di chuyển. Hoạt động bơm của tim không tốt khiến lượng máu lưu thông đến tay, thậm chí là chân không đầy đủ khiến bạn có các triệu chứng như trên.

Chèn ép dây thần kinh giữa ống cổ tay

Chèn ép dây thần kinh giữa ống cổ tay cũng có thể là nguồn căn gây ra chứng tê tay. Ngoài tê tay ra, người mắc bệnh này còn có cảm giác như kim chích, đau nhức, đặc biệt ở các ngón cái, ngón giữa. Cơn đau đặc biệt diễn ra vào ban đêm.

Gần đây, nhiều nghiên cứu chỉ ra tê tay còn có thể là dấu hiệu của một bệnh miễn dịch, chứng thiếu vitamin nhóm B, do thuốc điều trị cao huyết áp, kháng sinh…

Tê tay là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà bạn không ngờ tới. Do đó, khi có triệu chứng tê tay kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, người bệnh phải nhanh chóng thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Một số biện pháp đơn giản mà chúng ta có thể áp dụng khi có triệu chứng tê bàn tay là hạn chế tiếp xúc với nước lạnh, giữ tay luôn ấm áp, khô ráo; không hút thuốc và uống rượu; tập thể dục thường xuyên…

Tác giả bài viết: Lily

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP