Trong nước

Tăng thu nhập cán bộ công chức: 'Gắn với hiệu quả công việc - không cào bằng'

Bà Phan Thị Thắng - giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - khẳng định như vậy và thông tin thêm về đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đề án tăng thu nhập là chính sách được đội ngũ cán bộ công chức, viên chức TP.HCM rất mong chờ từ nhiều năm nay. Trong ảnh: Công chức tiếp nhận hồ sơ nhà đất tại UBND quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bà Thắng cho biết đề án được thực hiện dựa trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của UBND TP và căn cứ vào nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM vừa được ban hành mới đây.

Thời gian thực hiện đề án dự kiến từ ngày 1-4-2018 đến ngày 31-12-2020.

Không tăng thu nhập như nhau

* Theo đề án được trình, có phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức của TP đều sẽ được tăng thu nhập?

Bà Phan Thị Thắng - Ảnh: TỰ TRUNG


- Không hẳn như vậy! Phạm vi điều chỉnh của đề án sẽ bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý từ cấp TP đến cấp quận huyện, phường xã nên đối tượng được xem xét tăng thu nhập là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các tổ chức này và cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, những đối tượng này phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Điều này có nghĩa là không phải tất cả những người làm trong bộ máy nhà nước của TP đều được tăng thu nhập mà phải dựa trên kết quả công việc. Thu nhập tăng thêm được chi trả căn cứ hiệu quả công việc tại từng cơ quan, đơn vị do thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá.

Chi trả thu nhập tăng thêm của năm nào thì căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó. Việc chi trả chỉ được thực hiện sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc.

Một nguyên tắc quan trọng nữa là phải căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách thực tế hằng năm của TP.

Tùy vào nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của TP.HCM từng năm trong giai đoạn 2018-2020, UBND TP sẽ rà soát hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm so với khả năng cân đối ngân sách thực tế.

Nếu có thay đổi, UBND TP sẽ trình HĐND TP xem xét, quyết định.

* Lâu nay tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được tính dựa vào thâm niên, ngạch bậc. Liệu việc chi trả thu nhập tăng thêm cũng làm theo cách này?

- Khi đề án được chính thức thông qua, TP sẽ ban hành hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa của từng năm. Căn cứ theo hệ số tối đa đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn là Sở Nội vụ.

Việc quyết định người nào được nhận hệ số điều chỉnh nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc "gắn với hiệu quả công việc" và "không cào bằng".

Trước mắt, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018-2020 được đề xuất như sau: năm 2018: tối đa 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa 1,2 lần và năm 2020 tối đa 1,8 lần.

Cải thiện thu nhập cho cán bộ không chuyên trách

* Những cán bộ không chuyên trách vẫn chịu một số thiệt thòi về chế độ lương bổng, trợ cấp, bảo hiểm so với người nằm trong biên chế. Lần này họ có được xem xét tăng thu nhập một cách bình đẳng?

- Tại khoản 3, điều 6 nghị quyết số 54/2017/QH14 quy định "Hội đồng nhân dân TP được quyền quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý theo hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập...".

Tuy nhiên, theo quy định tại nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ, ở cấp phường, xã, thị trấn, ngoài cán bộ, công chức còn có những người hoạt động không chuyên trách.

TP.HCM hiện có khoảng 6.440 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn. Đối với đặc thù của TP, khối lượng công việc của lực lượng này rất nhiều; tính chất công việc cũng giống như đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Xuất phát từ thực tế này, trong thời gian qua TP.HCM đã ban hành các chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở cấp phường, xã, thị trấn tương đương cán bộ, công chức cấp xã.

Cụ thể như: được hưởng phụ cấp hằng tháng theo trình độ đạt được (hệ số nhân với mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ); được hưởng phụ cấp công vụ bằng 25% mức phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; được ngân sách TP hỗ trợ chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Do đó, để không tạo khoảng cách chênh lệch mức thu nhập giữa cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn khi thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết 54; đồng thời để động viên, khuyến khích lực lượng cán bộ này tiếp tục phát huy khả năng làm việc, an tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho nhân dân;

Dưới góc độ cơ quan tham mưu, dự thảo đề án, Sở Tài chính đã đề xuất UBND TP chấp thuận cho đối tượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn được hưởng cơ chế chi thu nhập tăng thêm của đề án.

Năm 2018: cần hơn 2.300 tỉ đồng để chi tăng thu nhập

Theo bà Phan Thị Thắng, căn cứ số lượng cán bộ, công chức, viên chức thực tế thuộc đối tượng thụ hưởng (11.645 công chức, 122.157 viên chức, 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn), dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện đề án năm 2018 là 2.342,3 tỉ đồng.

Giai đoạn 2019-2020, căn cứ khả năng cân đối ngân sách TP để xác định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập hằng năm và nhu cầu kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm hằng năm dựa trên quỹ tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ của công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn theo lộ trình tăng lương cơ sở của Chính phủ hằng năm.

Tác giả: MAI HƯƠNG (thực hiện)

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP