Ngày 11-5, tại tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hải An cùng lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD-ĐT đã có buổi gặp gỡ báo chí, cung cấp thông tin liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Hạn chế tối đa gian lận thi cử
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường nhiều giải pháp kỹ thuật để bảo đảm kỳ thi THPT quốc gia 2019 được tổ chức công bằng, nghiêm túc, hạn chế thấp nhất gian lận, tiêu cực xảy ra.
Về tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT trực tiếp giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm được sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu. Ông Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (tỉnh Ninh Bình), cho rằng đây là giải pháp căn cơ để hạn chế tối đa tiêu cực thi cử.
Trả lời băn khoăn về việc chấm thi tự luận vẫn giao cho các địa phương có thể dẫn đến tiêu cực xảy ra như kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Mai Văn Trinh cho biết số trường ĐH đủ năng lực chấm môn tự luận ngữ văn là rất ít, chỉ có một số trường sư phạm đủ khả năng, còn lại đa số không có người để chấm. Dù có giao cho các trường ĐH thì vẫn phải mời giáo viên của các sở GD-ĐT.
Ông Mai Văn Trinh cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra nhiều biện pháp để chống gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 |
Vì vậy, Bộ GD-ĐT quyết định trên tinh thần sở GD-ĐT chủ trì nhưng tăng cường vai trò giám sát của các trường ĐH. Bộ GD-ĐT sẽ có những quy định chặt chẽ về việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách, thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập bài thi môn ngữ văn. Các hội đồng thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi. Ngoài ra, tất cả bài thi đạt điểm cao tại các hội đồng sẽ được đưa ra để chấm kiểm tra.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi ngữ văn, tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo 2 vòng độc lập. Sau đó, đối sánh để bảo đảm không có sai sót rồi mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống.
Chỉ tiêu đào tạo sư phạm tăng mạnh
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 dự kiến có hơn 886.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi. Trong đó, số TS tự do là 38.389, chiếm 4,33%. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy số TS chọn bài thi khoa học tự nhiên là 302.157 em, chiếm 34,08%; bài thi khoa học xã hội là 468.140 em, chiếm 52,8%. Có 27.165 TS chọn cả 2 bài thi, chiếm 3,06%.
Năm nay, tổng số TS đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ là 652.980, chiếm 73,65%, giảm 5,14% so với năm 2018. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, trung bình mỗi TS đăng ký 3,94 nguyện vọng xét tuyển ĐH. Cá biệt, có 1 TS Hà Nội đăng ký tới 50 nguyện vọng.
Tại các trường ĐH có bề dày truyền thống như Kinh tế Quốc dân, Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Thương mại, Công nghiệp Hà Nội, Y Hà Nội, ĐHQG Hà Nội..., số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đều cao như mọi năm, từ 15.000-30.000. Với các trường ĐH khác như ĐH vùng, khối nông - lâm, khối trường tư thục..., tỉ lệ đăng ký nguyện vọng giảm nhiều so với năm 2018. Các trường này chỉ có khoảng 50%-60% TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Đáng chú ý, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH năm 2019 là 489.637, tăng 7,57% (khoảng 34.400 chỉ tiêu) so với năm 2018. Trong đó, riêng chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm khá cao, từ 35.000 năm 2018 lên mức 46.000.
Lý giải tình trạng chỉ tiêu tuyển sinh tăng, bà Phụng cho biết năm nay có hơn 120 trường được kiểm định chất lượng, dẫn đến chỉ tiêu được giao nâng lên. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT bắt đầu xem xét "tính bù chỉ tiêu" cho các trường làm tốt việc sàng lọc sinh viên trong quá trình đào tạo. Những trường có quá trình đào tạo nghiêm túc, siết chặt "đầu ra" thấp hơn "đầu vào" sẽ được xem xét tính bù chỉ tiêu tuyển mới.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động