Đó là kết quả nghiên cứu vừa được một nhóm nhà khoa học Mỹ, Singapore, Đài Loan đăng tải trên Tạp chí Science Advances (Mỹ).
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng sóng thần nhỏ trong tương lai có thể gây tác hại tương đương những trận sóng thần lớn hiện nay" - chuyên gia Robert Weiss, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Trường ĐH Kỹ thuật Virginia (Mỹ), nhận định. Hậu quả là lụt lội do sóng thần gây ra sẽ lan sâu vào đất liền hơn bao giờ hết.
Cuộc nghiên cứu trên tập trung vào đặc khu hành chính Macau của Trung Quốc. Thành phố hơn 600.000 dân này nhìn chung vẫn an toàn trước mối đe dọa sóng thần hiện nay. Theo tính toán, một trận động đất mạnh từ cấp độ 8,8 trở lên mới có thể khiến Macau gặp rắc rối. Dù vậy, tình hình có thể khác đi nếu mực nước biển dâng thêm trong thời gian tới.
Mực nước biển quanh Macau được dự báo sẽ tăng thêm 0,5 mét vào năm 2060 và 1 m vào năm 2100. Ảnh: REUTERS |
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của ông Weiss đã tạo ra những trận sóng thần mô phỏng trên máy tính và xem chuyện gì xảy ra với Macau trong 3 kịch bản: mực nước biển ở mức hiện tại, dâng cao thêm 0,5 m và 1 m. Hai con số sau được lựa chọn vì các nhà khoa học ước tính mực nước biển quanh Macau sẽ tăng thêm 0,5 m vào năm 2060 và 1 m vào năm 2100. Kết quả cho thấy với mực nước biển dâng thêm 0,5 m và 1 m, tần suất xảy ra lụt lội do sóng thần sẽ lần lượt tăng khoảng 1,2-2,4 lần và 1,5-4,7 lần.
Cũng theo ông Weiss, biển Đông đang có mực nước dâng cao nhanh và cũng là khu vực có nhiều thành phố lớn nên hậu quả có thể nghiêm trọng nếu bị sóng thần tàn phá. Nhóm nghiên cứu cảnh báo mực nước biển chỉ cần dâng thêm 30 cm là đủ làm tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá kinh khủng.
Tác giả: Lục San
Nguồn tin: Báo Người lao động