Thế giới

Tăng cường sức mạnh ở Thái Bình Dương, Mỹ "để mắt" tới Trung Quốc?

Các chuyên gia quân sự cho rằng việc Mỹ triển khai hàng loạt tàu chiến tới khu vực Thái Bình Dương trong thời gian gần đây không đơn thuần chỉ nhằm gây sức ép với Triều Tiên trước mối đe dọa hạt nhân từ nước này.

Đô đốc John Richardson (Ảnh: AFP)

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Mỹ đang lên kế hoạch triển khai thêm các nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân gần đây của nước này.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo rằng chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả sứ mệnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó có thể là việc điều động thêm (tàu chiến) từ Hạm đội 3 hoặc tương tự để đáp ứng những yêu cầu đó”, Tư lệnh tác chiến Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, phát biểu hôm 19/12 trên tàu sân bay USS Ronald Reagan neo đậu tại Nhật Bản.

Theo Đô đốc Richardson, Triều Tiên là vấn đề “khẩn cấp” nhất đối với Hải quân Mỹ tại châu Á trong bối cảnh nước này ngày càng cho thấy năng lực mạnh hơn sau mỗi vụ thử tên lửa. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đưa ra góc nhìn khác về mục đích thực sự của Washington.

Một số chuyên gia cho rằng Hải quân Mỹ đang sử dụng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên để làm vỏ bọc cho việc tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương, và mục tiêu cuối cùng mà Washington nhắm đến chính là kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Richardson cũng nhắc lại mối quan ngại của Mỹ về các động thái xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông - nơi Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước láng giềng.

“Mọi người có thể đưa ra nhận định về ý đồ của Trung Quốc liên quan tới các đảo (nhân tạo) này. Chúng tôi sẽ hành động như cách chúng tôi vẫn làm, và đó là điều khiến chúng tôi vẫn tiếp tục hiện diện ở đây”, Đô đốc Richardson nói thêm.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ)


Theo Song Zhongping, nhà bình luận quân sự cho kênh truyền hình Phoenix của Hong Kong, Mỹ đang sử dụng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để tăng cường hoạt động của Hạm đội 7 ở phía tây Thái Bình Dương bằng cách đưa thêm các nhóm tác chiến tàu sân bay từ Hạm đội 3 tới đây. Theo đó, Hạm đội 3 sẽ trở thành lực lượng hỗ trợ của Mỹ trong khu vực.

“Hải quân và Không quân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ nếu Mỹ tăng cường triển khai quân sự ở phía tây Thái Bình Dương, vì Lầu Năm Góc có thể sẽ triển khai từ 4-6 nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực này”, ông Song nói.

“Nếu Mỹ muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng biện pháp quân sự, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay hiện thời của nước này trong khu vực không đủ để tạo ra sự vượt trội hoàn toàn về tác chiến. Mỹ cần từ 4-6 nhóm tác chiến tàu sân bay để hỗ trợ cho các động thái quân sự”, chuyên gia Song cho biết thêm.

Li Jie, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cũng đồng tình với quan điểm của nhà bình luận Song Zhongping. Ông Li cho rằng động thái triển khai tàu chiến của Mỹ tới khu vực gần đây thực chất nhằm vào Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

“Mỹ đang cảm thấy áp lực khi chứng kiến Hải quân và Không quân PLA phát triển quá nhanh”, ông Li nói.

Thông thường, Mỹ chỉ cần triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo chuyên gia Li, “chính quyền Trump nhận ra rằng kế hoạch triển khai quân sự hiện tại của Mỹ còn xa mới đủ để đối phó trước những thách thức an ninh ngày càng tăng trong khu vực”.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng chuẩn bị triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay, trong đó có một tàu sân nội địa, trong thời gian tới. Điều này cho thấy chính Trung Quốc cũng nhận ra rằng Mỹ đang muốn tăng cường năng lực hải quân ở khu vực mà Bắc Kinh muốn xây dựng ảnh hưởng.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP