Vượt hơn 180km từ thành phố Vinh theo hướng Tây Nam, chúng tôi tới thị trấn Hòa Bình (Tương Dương, Nghệ An) lúc trời sẩm tối. Theo chỉ dẫn của một số người dân sống dọc quốc lộ 7, men theo con đường ngoằn ngoèo sát những đỉnh đồi tầm 40km, bản Bón (xã Yên Na) hiện ra trước mắt chúng tôi.
Với vỏn vẹn mấy chục nóc nhà nằm san sát nhau bên dòng suối Chà Hạ chảy từ xã Yên Tĩnh qua các xã Yên Na và Yên Hòa (huyện Tương Dương), bản Bón là nơi cộng đồng người dân tộc Thái sinh sống. Cư dân nơi đây sinh sống lâu đời bằng nghề canh tác lúa nước và đãi vàng dọc suối Chà Hạ.
Theo quan sát, nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị truyền thống dân tộc về phong tục tập quán, trò chơi dân gian của người bản xứ.
Nàng tiên trăng nhập hồn nhảy múa giữa đêm
Đang bị mê hoặc bởi những ngôi nhà sàn được sắp xếp ngay hàng thẳng lối trong cái ánh sáng mập mờ đèn điện, chúng tôi chợt “tỉnh giấc” khi những tiếng í ới gọi nhau, có già, có trẻ cứ thế văng vẳng bên tai.
Anh Lô Văn Trường, một người bản địa thông thạo tiếng Kinh, chỉ tay về phía đám người đằng xa và nói với chúng tôi: “Trăng xuống rồi, người ta gọi nhau đi xem Nàng Tiên Trăng (tiếng Thái là Tạ nang xoòng) nhập hồn nhảy múa đấy. Nói bằng tiếng Thái, các cô chú không hiểu được đâu”.
Chẳng biết chuyện anh Trường kể có hay không, song vẻ hoang sơ của các ngôi nhà sàn huyền bí, ẩn mình dưới ánh trăng, cộng thêm sự háo hức của già trẻ trong bản, càng khiến chúng tôi mỗi lúc thêm tò mò.
Theo chân anh Trường, chúng tôi đi xem Nàng Tiên Trăng nhập hồn nhảy múa.
“Đằng kia, các cô chú thấy ngôi nhà sàn đấy không? Hôm nay mọi người trong bản sẽ tập trung về đấy để cùng nhau vui chơi, trò chuyện với Nàng Tiên Trăng”, chỉ tay về phía ngôi nhà sàn nhỏ ẩn mình dưới rặng cây, anh Trường cho nói với chúng tôi.
Dù cách hàng trăm mét, chúng tôi vẫn nghe rõ những câu hát gọi Nàng Tiên Trăng bằng tiếng Thái của dân bản. Lời hát được nhóm chơi xướng lên sau đó đám trai gái lặp lại. Đôi khi các nhóm trai gái dự khán thay phiên nhau tiếp nối lời xướng.
Bài hát được anh Trường dịch sang tiếng Kinh: "Này này Nàng Tiên Trăng/ Nàng tiên sáng nàng tiên trong/ Múa trong tà áo mềm mại/ Mẹ của nàng múa trên chòi rẫy người kìa/ Mẹ của nàng múa trên chòi canh ruộng người đó/ Con trai mong nàng lắm/ Con gái mơ thấy hằng đêm/ Đêm nay đêm sáng tỏ/ Đêm mai đêm sáng trong…".
Bước vào khoảng sân rộng rãi nhất bản, được biết là nơi đặt địa điểm nhà văn hóa cộng đồng và sân bóng chuyền. Nơi đây thường chỉ nhộn nhịp vào buổi chiều tối, nhưng đêm nay chợt đông vui, náo nhiệt lạ thường.
Trước mắt chúng tôi, 40 người dự khán và nhóm tổ chức trò chơi đã tề tựu về đây, mọi người đứng vây quanh một tốp phụ nữ gồm 6 người ngồi quây quần với nhau. Họ cùng nhau nâng trên cả hai tay một chiếc hình nộm đang lắc lư không ngớt. Chiếc hình nộm được mọi người gọi là “Nàng Tiên Trăng”.
Tốp phụ nữ gồm 6 người ngồi quây quần với nhau cùng nâng Nàng Tiên Trăng. |
Một lúc sau, “nàng tiên” bắt đầu nhảy múa trên tay của 6 người phụ nữ, hai cánh tay liên tục gõ cộp cộp vào nền gạch. “Nàng” gõ mỗi lúc một nhanh, nhảy múa càng lúc càng mạnh.
“Vậy là Nàng Tiên Trăng đã xuống chơi cùng dân bản rồi đấy”, anh Trường vỗ vai chúng tôi rồi chỉ vào chiếc hình nộm.
Một người trong nhóm chơi hỏi: “Nàng ơi, tôi hỏi cái nào. Nàng đến từ đâu ạ?”. Sau một hồi lâu lưỡng lự, chiếc hình nộm quay một cánh tay hướng về phía mặt trăng. Mọi người cùng reo hò: “Ồ, vậy đúng là Nàng Tiên Trăng rồi”.
Một người khác trong nhóm chơi lại hỏi: “Cô là ai? Nếu là nàng Cả gõ một cái, nàng Hai thì 2 cái, nàng Út thì 3 cái nhé”. Nàng Tiên Trăng liền nghiêng người gõ cánh tay xuống đất 3 cái. Sau đó "nàng" lại nhảy múa và tiếp tục gõ cộp cộp hai cánh tay xuống mặt sân. Mọi người lại ồ lên: “Đúng là nàng Út, còn trẻ, múa nhiệt tình quá”.
Một người khác trong nhóm điều khiển cuộc chơi chợt bảo: “Này, múa vừa thôi, đứng lại tôi hỏi cái này? Trong nhóm chúng tôi cô thương ai nhất thì cụng đầu với người ấy nhé”. Nàng Tiên Trăng lập tức thể hiện tình cảm bằng cách cụng đầu với một bà cụ khả kính nhất hội chơi.
Những cuộc hỏi đáp cứ thế diễn ra cho đến gần nửa đêm. Người thì hỏi xem năm nay mẹ mình có khỏi bệnh không? Người thì hỏi tình duyên của mình với người yêu có tốt không? Người lại hỏi bao giờ thì mình lập gia đình? Năm nay làng bản có được yên vui, làm ăn có thuận lợi không?...
Theo quy tắc cứ một vòng một người chỉ được hỏi một câu có các nội dung là những mơ ước mong muốn cá nhân trong cuộc sống... cả những chuyện đã xảy ra và những chuyện chưa xảy ra với điều kiện câu hỏi phải rõ ràng và phù hợp với lứa tuổi.
Nàng Tiên Trăng nhập hồn nhảy múa. |
Nhận được câu hỏi, Nàng Tiên Trăng sẽ trả lời rất rõ ràng dễ hiểu bằng cách đứng hoặc qua số lần gõ xuống mặt sân để mọi người suy đoán. Nếu nàng trả lời đúng và hay, mọi người cùng reo vui tán thưởng, nếu câu trả lời sai và không hay cả đám lại vỗ tay cổ vũ nàng trả lời tiếp.
Cứ thế cuộc hỏi - đáp mỗi lúc lại thêm hào hứng sôi nổi kéo dài cho đến lúc trăng khuya đã bắt đầu chếch bóng, nhóm tổ chức hát bài tiễn Nàng Tiên Trăng. Lúc nàng chợt rùng mình tức là nàng đã về trời. Cuộc vui kết thúc, mọi người về nhà với hẹn đêm mai lại tiếp tục..
Lời hát tiễn nàng tiên trăng về trời: "Nàng đến cùng sương thì đi cùng sương nhé/ Nàng đến cùng mưa thì về với mưa gió rì rào/ Về với mây và gió núi/ Đừng đem theo hồn vía người về đồi cát/ Đừng gọi vía người theo gấu áo/ Đừng gọi vía cả bản cùng nàng về nhé…".
Nguồn gốc trò chơi gọi Nàng Tiên Trăng nhập hồn nhảy múa
Theo cụ Vi Thị Luyến, một trong 6 người cầm trịch trò chơi cho biết, cũng như các dân tộc anh em cư trú ở lưu vực sông Lam, người Thái ở huyện Tương Dương sống chủ yếu bằng nghề công nghiệp lúa nước. Trước kia, họ sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp và đời sống con người phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.
Bởi thế, những người nông dân hiền lành chất phát nơi đây dành trọn niềm tin của mình vào những yếu tố tự nhiên như mặt trời, mặt trăng để ước mong một cuộc sống no ấm, bình yên. Và trò chơi gọi Nàng Tiên Trăng nhập hồn nhảy múa ra đời, như một sự chở che của họ sau những giờ lao động vất vả.
Để chuẩn bị cho trò chơi, trước hết phải tạo hình Nàng Tiên Trăng. Công việc chuẩn bị này thường được làm trước 2 ngày rằm do một người đàn ông trong bản đảm nhiệm. Ông sẽ vào rừng chặt cây nứa để làm nguyên liệu. Để hình Nàng Tiên Trăng đẹp, phải chọn những cây nứa không quá già cũng không quá non.
“Trò chơi thường được tổ chức vào 3 ngày 14, 15 và 16 âm lịch, là lúc trăng tròn, sáng và đẹp nhất. Đây là một trò chơi mang tính văn hóa tâm linh những năm xa xưa, từng rất phổ biến trong các bản làng miền núi Nghệ An.
Đến nay, trò chơi này gần như không còn thấy trong sinh hoạt văn hoá bản làng và chỉ còn đọng lại trong ký ức những người già trong vùng. Gần đây những người già chúng tôi cùng nhau khôi phục lại trò chơi này, với mục đích giữ gìn nét văn hóa, truyền thống của dân tộc”, cụ Luyến chia sẻ.
Trò chơi gọi hồn Nàng Tiên Trăng là lúc để mọi người bày tỏ ước mong Nàng Tiên Trăng ban phước lành. |
Cũng theo cụ Luyến, trò chơi một khi đã tổ chức là phải liên tục 3 ngày liền. Nếu hôm nay gọi nàng Út thì 2 ngày sau phải gọi hết lần lượt từng Nàng Tiên Trăng. Cách tổ chức và các bài hát xướng thì nội dung như nhau.
“Đôi lúc, Nàng Tiên Trăng mải chơi, tiễn mãi không chịu về trời thì đêm đó cả bản không ai ngủ được. Vì nếu nàng không về trời, nàng sẽ nhập vào một người bất kỳ trong bản. Nàng là thần tiên, nhập vào người thường thì chắc chắn người đó không thể bình thường được”, chỉ về phía mặt trăng đang dần khuất hẳn, cụ Luyến cho hay.
Ở mỗi vùng khác nhau, con người lại có những cách khác nhau thể hiện sự tôn sùng, thành kính với mặt trăng. Đối với người Thái ở miền Tây Nghệ An cũng thế, trò chơi gọi hồn Nàng Tiên Trăng là lúc để mọi người bày tỏ ước mong Nàng Tiên Trăng ban phước lành cho dân bản, cho cuộc sống ấm no bình an, cho những ước mong thầm kín của mọi người.
Tác giả: Thy Huệ
Nguồn tin: Báo VTC News