Với diện tích 2.500m2, gia đình chị Nguyễn Thị Nga ở xóm 6 xã Tân Hương đã bố trí ươm giống cây các loại như cây keo, lát, mỡ, xoan đâu... Trước đây, gia đình chị thường áp dụng kỹ thuật ươm gieo hạt nhưng tỷ lệ cây sống thấp, những năm gần đây, gia đình đã chuyển sang ươm theo hình thức giâm cành. Cách ươm này đã giúp cây giống phát triển nhanh, lợi gỗ, chu kỳ cho khai thác ngắn hơn keo hạt và rất lợi cho các hộ trồng rừng kinh tế. Đầu năm 2016, gia đình chị đã đầu tư hơn 50 triệu đồng lắp hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên cây giống sau khi ươm đạt tỷ lệ sống đến 95% và phát triển xanh tốt, năng suất cao gấp 2 đến 3 lần so với tưới nước bằng thủ công. Mỗi năm gia đình chị xuất bán 150 vạn cây giống, cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng, trừ các chi phí mang về lãi ròng 200 triệu đồng.
Xã Tân Hương vốn là một vùng quê nghèo của huyện miền núi Tân Kỳ. Nhưng từ khi phát triển nghề ươm giống cây lâm nghiệp đã giúp cuộc sống người dân nơi đây đổi thay. Toàn xã hiện có 200 hộ dân tham gia ươm cây giống lâm nghiệp với diện tích lên tới 13 ha. Mỗi 1 ha ươm giống cây lâm nghiệp sẽ cho nguồn lãi ròng trên 500 triệu đồng. Mỗi năm toàn xã thu về 8 tỷ đồng từ nghề ươm cây giống. Kinh tế từ các vườn ươm phát triển đóng góp tích cực đưa nền kinh tế địa phương nói chung và các hộ dân nói riêng trên địa bàn từng bước được nâng lên, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy. Trong 200 hộ tham gia ươm giống cây thì đã có 85 hộ vươn lên trở thành hộ khá giàu, với mức thu nhập cao mỗi năm. Mỗi năm nghề ươm cây giống lâm nghiệp còn giải quyết việc làm thời vụ cho 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Việc ươm giống cây lâm nghiệp diễn ra gần như quanh năm nên những lao động làm việc tại vườn ươm có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.
Ông Lê Đình Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương – Tân Kỳ khẳng định: Mục tiêu của Đảng bộ xã Tân Hương là tiếp tục phát triển nghề ươm cây giống này ngoài cung cấp giống cây cho địa phương khác còn góp phần cùng địa phương nâng độ che phủ rừng từ 32% sắp tới lên 35%, mục tiêu Đại hội Đảng bộ đến năm 2020 tăng lên 40%.
Hiện nay, nghề ươm cây giống không những phát triển mạnh ở xã Tân Hương mà tại xã Nghĩa Hành và xã Kỳ Sơn - huyện Tân Kỳ, thời gian gần đây, đã phát triển rất sôi động. Đây là 2 địa phương có địa bàn giáp ranh với xã Tân Hương và có đường Hồ Chí Minh chạy qua nên rất thuận lợi cho xuất bán.
Nhờ có nhiều chính sách hợp lý trong khuyến khích phát triển nghề ươm cây giống lâm nghiệp các hộ dân ở xã Kỳ Sơn đã năng động, sáng tạo vận dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Toàn xã hiện có 60 hộ dân tham gia ươm giống cây lâm nghiệp, trong đó, có 21 hộ vào mô hình Hợp tác xã và được hưởng nhiều quyền lợi như: được cấp chứng chỉ, cung ứng bao bì, hạt giống, phân bón và đặc biệt mỗi khi có dự án trồng rừng trên địa bàn bà con được xuất bán cây giống tập trung. Các hộ còn được cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã thường xuyên đến tận các vườn ươm để trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật ươm cây, ươm cành và cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây giống.
Những năm gần đây, phong trào trồng rừng nguyên liệu ở huyện miền núi Tân Kỳ và các huyện lân cận phát triển mạnh, bởi vậy nhu cầu tiêu thụ giống cây lâm nghiệp cũng ngày càng cao. Nắm bắt thời cơ đó, hơn 400 hộ ươm cây giống trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã đầu tư mở rộng quy mô vườn ươm. Để nghề ươm cây giống lâm nghiệp được duy trì, phát triển bền vững và có đầu ra ổn định lâu dài, chính quyền địa phương các cấp ở huyện Tân Kỳ đã và đang có nhiều chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho các hộ thuê đất tập trung mở rộng diện tích, khuyến khích các hộ dân tham gia vào Hợp tác xã dịch vụ ươm giống cây lâm nghiệp để bà con được hưởng đầy đủ quyền lợi, tạo sự liên kết, thống nhất giá cả đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, các hộ ươm cây đang tập trung xuất bán hơn 16 triệu cây giống các loại cho nhân dân trồng rừng, riêng huyện Tân Kỳ vụ Xuân năm nay phấn đấu trồng mới 500 ha rừng và trồng 35.000 cây đầu xuân nhằm góp phần nâng độ che phủ rừng của huyện Tân Kỳ từ 36% năm 2016 tăng lên 36,5% vào cuối năm 2017.
Với hơn 38.000 ha đất lâm nghiệp, huyện Tân Kỳ xác định đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng rừng nguyên liệu và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nghề trồng rừng phát triển đồng nghĩa với việc ươm cây giống phát triển sôi động. Nghề ươm cây giống không những giúp nhiều hộ dân Tân Kỳ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng mà còn góp phần cùng địa phương làm tốt công tác phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Những thành quả này sẽ góp thêm sắc màu tươi mới trong bức tranh mùa xuân của xứ Nghệ, hy vọng trong năm 2017 các hộ ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tân Kỳ tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm, quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Tác giả bài viết: Phương Thảo – Trọng Hùng
Nguồn tin: