Vào những ngày trung tuần tháng 11 này, đến xã vùng cao Giai Xuân huyện Tân Kỳ, địa phương có trên 70% là đồng bào dân tộc Thổ sinh sống, đây cũng là địa phương điển hình của huyện Tân Kỳ chú trọng phát triển rau hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Biên- Trưởng Ban Nông nghiệp xã Giai Xuân huyện Tân Kỳ cho biết: “Khác với trước đây, hiện nay hầu hết nhà dân nào ở xã Giai Xuân cũng đều trồng rau vừa để phục vụ bữa ăn trong gia đình vừa có xuất bán ra thị trường, điển hình như ở 2 xóm Vạn Long và Vạn Xuân đã làm rau hàng hóa 5 năm trở lại đây, từ trồng rau đã đem lại thu nhập khá cho bà con”.
Đến thời điểm này trên địa bàn xã Giai Xuân, bà con đã trồng được hơn 36 ha rau vụ Đông, nhiều diện tích trồng sớm đã cho thu hoạch, đầu vụ làm rau mặc không thuận lợi nhưng nay xuất bán lại được giá nên bà con rất phấn khởi.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thành ở xóm Vạn Xuân xã Giai Xuân là hộ chuyên trồng rau xuất bán, hiện nay gia đình đang thu hái những lứa Cà dừa cuối mùa trên diện tích 1 sào được trồng vào tháng 6 vừa qua, cây cho sai quả, lại được giá nên đã đem lại cho gia đình 20 triệu đồng, số diện tích còn lại gia đình trồng Dưa chuột, cải bắp hiện đang phát triển tốt.
Diện tích dưa chuột và cải bắp của gia đình chị Nguyễn Thị Thành đang phát triển tốt
Chị Thành chia sẻ: “ Trước đây trên diện tích đất vườn 3 sào này gia đình trồng ngô, thậm chí có năm bỏ hoang vì tập trung lên nương làm rẫy, nhưng qua tìm hiểu và thấy nhu cầu rau cho gia đình, thị trường nên gia đình đã tập trung trồng rau và thấy hiệu quả thực sự, cứ mỗi vụ rau 3 tháng, mỗi sào cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, mỗi năm trồng từ 2 đến 3 vụ rau các loại, tùy theo mùa nào rau nấy, cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây ngô, từ đó gia đình có trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Điều dễ nhận thấy, bắt gặp tại các địa phương của huyện Tân Kỳ là hầu như vườn nhà nào cũng trồng rau, đặc biệt là ở nông thôn có diện tích đất vườn rộng, 100% số hộ gia đình có vườn rau xanh, tùy theo diện tích đất, bà con bố trí cây trồng hợp lý mùa vụ.
Do xuất phát từ nhu cầu cung cấp rau xanh trước hết là cho gia đình và nắm bắt tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng rau sạch nên các hộ trồng rau ở Tân Kỳ đã hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật; chủ động nước tưới cho cây trồng, nhiều nhà đã khoan, đào giếng trực tiếp giữa đồng, thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sớm đối tượng gây hại để thực hiện phòng trừ bằng biện pháp thủ công.
Rau được tưới đều đặn mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối
Nói về mô hình trồng rau hàng hóa, ông Trần Tử Bá- Phó chủ tịch Hội làm vườn huyện Tân Kỳ khẳng định: “ Những năm trước đây các chợ như chợ Lạt ở Thị trấn, Chợ Sen ở Nghĩa Đồng, chợ Cừa ở Nghĩa Hoàn đều phải mua rau của các huyện Đô Lương, Quỳnh Lưu, Yên Thành nhưng đến năm 2013 lại nay, cơ bản giải quyết được việc không phải mua rau từ các huyện bạn, mà dân Tân Kỳ tự túc được với chỉ tiêu bình quân mỗi khẩu mỗi ngày là 0,5kg rau xanh gồm các loại rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn hoa, rau ăn thân, rau ăn củ và Tân Kỳ đã có xuất bán 1 số mặt hàng rau ra các huyện khác như Bí xanh, Bí đỏ....”.
Các hộ dân kiểm tra rau để chuẩn bị thu hoạch
Theo số liệu tổng hợp của Hội làm vườn Huyện Tân Kỳ, đến nay toàn huyện Tân Kỳ có trên 5.000 ha diện tích đất vườn nhà, trong đó có hơn 4.000 ha đã được cải tạo phát triển sản xuất, riêng diện tích trồng rau đậu và cây ăn quả chiếm 60% trong tổng 4.000 ha. Ngoài ra bà con còn chuyển đổi nhiều diện tích đất bãi kém hiệu quả sang trồng rau màu hàng hóa. Với thế mạnh về đất đai, nguồn lao động nông thôn dồi dào, phong trào trồng rau sạch trên địa bàn huyện Tân Kỳ không ngừng được khuyến khích mở rộng nhằm tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân./.
Tác giả bài viết: Cẩm Tú - Đài Tân Kỳ
Nguồn tin: