Tên lửa Mỹ trong cuộc không kích nhằm vào Syria hôm 14/4 (Ảnh: Reuters) |
Vào sáng 14/4, liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc không kích bằng 105 tên lửa nhằm vào 3 mục tiêu bị nghi là cơ sở vũ khí hóa học của Syria. Các đồng minh nói rằng đây là hành động đáp trả cuộc tấn công hóa học mà Washington cho rằng do chính quyền Syria thực hiện ở thị trấn Douma khiến hàng chục người thiệt mạng. Tuy nhiên, Damascus liên tục bác bỏ những cáo buộc này.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học khiến nhiều người thiệt mạng và ra lệnh tấn công căn cứ không quân Shayrat của Syria bằng 59 tên lửa hành trình. Hai cuộc tấn công tại Syria diễn ra cách nhau một năm.
“Cả hai đợt tấn công của Mỹ tại Syria, vào tuần trước và năm ngoái, chứng tỏ rằng Mỹ sẵn sàng tấn công bất kỳ ai”, Van Jackson, chuyên gia về Triều Tiên và là cựu cố vấn chính sách tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định.
Cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh diễn ra trong bối cảnh giới chức Mỹ và Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Phía Mỹ mong muốn Triều Tiên thảo luận các kế hoạch để chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, trong khi Bình Nhưỡng kỳ vọng nhận được sự bảo đảm về an ninh từ Washington.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện trong bản tin của truyền hình Hàn Quốc (Ảnh: Reuters) |
Các chuyên gia cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump khi sử dụng vũ lực đối với Syria có thể là cách để ông thể hiện thông điệp trong chiến dịch “gây sức ép tối đa”.
Về phía Mỹ, chiến dịch gây sức ép tối đa với Triều Tiên bao gồm các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, Washington cũng có thể sử dụng các biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng nếu cần thiết. Mục tiêu của Mỹ là buộc chính quyền Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân cũng như tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ.
Theo báo Korea Joongang Daily (Hàn Quốc), cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Syria là “lời cảnh báo” với Bình Nhưỡng. Thông qua cuộc không kích này, Washington có thể muốn gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Triều Tiên về việc cần chấm dứt chương trình hạt nhân, nếu không muốn nhận kết quả tương tự như Syria.
“Tôi nghĩ chính quyền (Mỹ) muốn Triều Tiên nhận ra rằng, cuộc tấn công nhằm vào Syria cho thấy chúng ta (Mỹ) sẵn sàng thực hiện các cam kết của mình. Chúng ta vạch ra giới hạn đỏ về việc sử dụng vũ khí hóa học và chúng ta bảo vệ giới hạn đó”, ông Jackson nói.
Giới chức Mỹ hy vọng việc phô diễn sức mạnh tại Syria sẽ gia tăng sức ép lên Triều Tiên trước khi Washington đưa ra các đề xuất về vấn đề hạt nhân tại cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo sắp tới. Theo chuyên gia Bong Youngshik nghiên cứu về chính trị tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, “chính quyền Mỹ sẽ không hài lòng cho tới khi Triều Tiên đình chỉ ít nhất một trong số các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này”.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo sắp tới gần, cuộc tấn công Syria hôm 14/4 của Mỹ được cho là sẽ gây sức ép nặng nề lên tâm lý của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Cuộc tấn công Syria cũng đồng thời nhắc nhở Triều Tiên về việc Mỹ sẵn sàng tấn công ở khu vực xa xôi và sẵn sàng hành động để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân”, Rodger Baker, phó chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu chiến lược của hãng tình báo toàn cầu Stratfor, cho biết.
Triều Tiên dè chừng cam kết
Tổng thống Syria Assad và cố Tổng thống Libya Gadhafi (phải) tại hội nghị thượng đỉnh của các nước Ả rập năm 2005 (Ảnh: AP) |
Cuộc không kích của Mỹ tại Syria cũng có thể làm gia tăng mối quan ngại tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng có thể cho rằng nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân, đất nước của họ sẽ hoàn toàn không còn khả năng phòng thủ trước một cuộc không kích tương tự những gì Mỹ đã làm tại Syria.
Theo Giáo sư Kim Hyun-wook tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, nếu Triều Tiên cho rằng ban lãnh đạo của họ không được bảo đảm về an ninh, họ sẽ vẫn “tiếp tục duy trì chương trình hạt nhân”.
Triều Tiên từ lâu đã coi những gì xảy ra đối với cố lãnh đạo Moammar Gadhafi của Libya là cái cớ để nước này không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân dù phải chịu rất nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế. Nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm của Libya đã bị mất toàn bộ quyền lực và bị các lực lượng nổi dậy sát hại chỉ vài năm sau khi ông đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm đó, các lực lượng nổi dậy này đang liên kết với các lực lượng của Mỹ và NATO.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh tuyên bố hành động quân sự của họ tại Libya là “sự can thiệp nhân đạo” để ngăn lực lượng chính phủ Libya tiêu diệt các nhóm đối lập dân sự. Nếu không có vũ khí hạt nhân, giới chức Triều Tiên có thể lo ngại rằng một ngày nào đó, Mỹ cũng sẽ sử dụng chính cái cớ “nhân đạo” tương tự để can thiệp vào Triều Tiên.
“Mỹ có thể coi Triều Tiên là nước vi phạm nhân quyền và sau đó có thể loại bỏ ông Kim Jong-un khi ông không còn vũ khí hạt nhân”, Giáo sư Kim Hyun-wook nhận định.
Theo chuyên gia Jackson, “ông Kim Jong-un nhìn vào cuộc tấn công tại Syria và có thể kết luận rằng, vũ khí hạt nhân là thứ khác biệt duy nhất giữa ông và các nhà lãnh đạo Trung Đông. Nếu không có vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ đối xử với ông ấy như Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cố lãnh đạo Moammar Gadhafi và cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein”. Ông Jackson nhận định, Triều Tiên từ lâu đã hiểu rằng “sức mạnh là thứ giúp họ an toàn” và “vũ khí hạt nhân là cách bảo đảm cuối cùng”.
“Chính quyền hiện tại của Triều Tiên rất hiểu tình hình Libya, đất nước chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được chào đón trở lại cộng đồng quốc tế, và sau đó Mỹ đã hậu thuẫn việc lật đổ chế độ Libya”, ông Baker cho biết thêm.
Theo các nguồn tin Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ yêu cầu Mỹ cam kết không tấn công hoặc xâm lược Triều Tiên để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng dường như vẫn nghi ngại rằng, liệu họ có thể cam kết duy trì thỏa thuận kéo dài với Mỹ hay không vì nước này từng bị cho là vi phạm các thỏa thuận trước đây. Những câu hỏi về lòng tin và sự tin cậy, xuất phát từ cả hai phía, vẫn chưa được giải đáp khi hội nghị thượng đỉnh sắp tới gần.
Tác giả: Thành Đạt (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí