Theo báo cáo của Ủy ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, lúc 0 giờ 30 phút cùng ngày, tàu SE19 lưu thông hướng Hà Nội đi Đà Nẵng, khi đến vị trí giao cắt với đường bộ ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã va chạm với xe tải chở đá BKS 37C-151.38 chạy từ mỏ đá băng qua đường sắt.
Hiện trường vụ tai nạn |
Tai nạn làm 4 toa hành khách, 1 toa đựng hàng, 1 toa hàng ăn và đầu máy của tàu SE19 trật khỏi đường ray, văng xuống ruộng lúa ven đường. Chiếc xe tải hư hỏng nặng. Thời điểm gặp nạn trên tàu có 477 hành khách. Có ít nhất 11 người thương vong, trong đó 2 người tử nạn là lái tàu của tàu SE19, gồm ông Nguyễn Thế Hùng (SN 1976; ngụ phường Thanh Thượng, quận Long Biên, TP Hà Nội) - lái tàu chính và ông Nguyễn Xuân Đệ (SN 1985; ngụ xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) - lái phụ. Chín người bị thương được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện, trong đó có tài xế xe tải Hồ Sỹ Nam (SN 1984; ngụ xã Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) bị thương rất nặng, được chuyển thẳng ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Ông Trịnh Ngọc Toàn, Giám đốc Chi nhánh đường sắt Hà Thanh (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), cho biết vụ tai nạn đã làm hơn 100 m đường ray bị xô lệch, hư hỏng nặng. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã huy động tối đa lực lượng cứu hộ cứu nạn cùng với công nhân đường sắt khắc phục sự cố, nhanh chóng đưa những người bị thương đi cấp cứu. Sau nhiều giờ gián đoạn, đến 14 giờ ngày 24-5, việc khắc phục sự cố đường ray cơ bản hoàn thành, tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM thông tuyến trở lại.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Thế Thống, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, xác nhận thời điểm xảy ra tai nạn, hệ thống rào chắn phía Tây (hướng từ xe tải đi từ trong mỏ ra) không hoạt động, còn rào chắn phía Đông (từ Quốc lộ 1A) vào thì đã bị hư hỏng nặng. Lúc tàu gặp nạn có 2 cán bộ đang trực tại đây. Ông Thống còn thông tin tuyến đường ngang mới được mở ra để cho xe cộ vào lấy vật liệu xây dựng và phụ gia xi-măng cho Nhà máy Xi-măng Công Thanh. Hệ thống rào chắn và người gác chắn do ngành đường sắt quản lý. Một cán bộ điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cũng quả quyết thời điểm đoàn tàu tông vào xe tải, hệ thống rào chắn không hoạt động.
Ghi nhận tại hiện trường, phóng viên cũng thấy một bên rào chắn vẫn dựng ở vị trí an toàn và còn nguyên vẹn. Hiện tại, phía trong nhà gác, hệ thống điều khiển đã bị cơ quan công an niêm phong để phục vụ điều tra. Sau tai nạn, 2 người gác rào chắn là Phạm Văn Vui (SN 1978) và Nguyễn Văn Hùng (SN 1983; cùng ngụ thôn Khoa Trường, xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia) đã bị Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, khẳng định các đơn vị liên quan vẫn đang tổ chức khám nghiệm hiện trường và sau đó họp cùng với VKS đánh giá lại rồi mới thống nhất thông tin.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, người được Phó Thủ tướng phân công đến hiện trường chỉ đạo giải quyết vụ việc - nhấn mạnh đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Quan điểm của Phó Thủ tướng là yêu cầu Công an tỉnh Thanh Hóa sớm khởi tố vụ án để điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Tác giả: Thanh Tuấn
Nguồn tin: Báo Người lao động