Chăm sóc, gìn giữ rồi nuôi sống lại những “miệng trầm” của 20 năm trở về trước là công việc hiện nay của một số phụ nuôi trầm ở đỉnh sương mù Hoành Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình). Muốn có được gốc trầm “khủng”, những “vàng thô”, lộc hiếm chốn thâm sơn thì phu trầm phải ngược rừng để đi “săn”.
Ngược rừng săn “vàng thô”
Trầm là phần gỗ của cây dó bầu bị nhiễm dầu, do bàn tay con người hay của tạo hóa tác động. Càng làm thân dó bầu đau thì càng sinh ra nhiều trầm, giá trị của thân trầm do thiên nhiên tạo cũng vì thế mà lên đến ngưỡng hàng tỉ đồng. Dĩ nhiên, “mỏ vàng” ấy chỉ có giá trị nếu “dân trầm” săn thấy.
Theo chân anh Chu Đức Thanh (46 tuổi), người xã Quảng Kim (Quảng Trạch, Quảng Bình) đến thăm vườn trầm nguyên sinh ở rừng của anh, chúng tôi mới phần nào chứng kiến nỗi gian khó khổ cực của một phu trầm. Vườn trầm anh Thanh dẫn chúng tôi đi cũng là địa điểm mà cá nhân anh phải đổ bao công sức để “săn” rồi nuôi cấy, chăm sóc suốt mấy chục năm.
Câu chuyện của anh Thanh cứ đưa chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Anh Thanh xuýt xoa bên miệng trầm hơn 20 năm tuổi của mình: “Tui kết (chăm sóc) nó từ cái ngày nó còn cò ngẵng, cò ngẽo (gầy gò - PV) kìa! Cả đời tui hy vọng vào nó nhiều lắm, ngày nào cũng phải ghé thăm nó một lần, có thế mình mới yên được cái bụng, ăn miếng cơm nó mới ngon được!”.
Những gốc cây dó bầu nằm ẩn mình trong rừng rậm mang trên mình những miệng trầm bề thế của anh Thanh trong thời điểm hiện tại, nếu bán ra thị trường sẽ có giá khoảng 30 đến 40 triệu đồng.
Anh Thanh cũng là một tay săn trầm có chút tiếng tăm của khoảng thời gian cách nay ba chục năm. Bởi vậy, nhiều khi ngắm “miệng trầm”, anh lại nói biết đâu những nhát rựa quanh “lộc trời” này có khi lại là của chính bản thân anh năm xưa.
Anh nhớ lại: “Những năm trước kia, chúng tôi đi theo từng hội, đi hết Nam ra Bắc, hết thâm sơn cùng cốc. Nói chung là nơi nào có trầm thì nơi đó có bàn chân chúng tôi. Những ngày đi thì rôm rả, những ngày về thì bủng beo. Nguy hiểm có, chết chóc có, nhưng vì mưu sinh và cũng là cái thú nên nó khiến con người ta hăng máu quá.
Có những chuyến đi biệt tăm cả mấy năm ròng, vợ con cứ tưởng đã mất tích, chết mất xác ở đâu đó. Những năm đó, cứ biết là trầm và trước mắt là trầm thôi chứ chẳng còn màng tới gia đình gì nữa. Khu rừng này (rừng Hoành Sơn - PV) chỗ nào mà chẳng có bếp ba hòn (bếp của dân rừng thường chỉ kê bằng ba hòn đá- PV) của chúng tôi chứ, đi nát rồi”.
Im lặng một hồi như cố lục tìm trong trí nhớ, dường như còn một điều gì đó sâu kín lẩn khuất, anh tặc lưỡi: “Những năm oan nghiệt đó, nhắc lại chỉ thêm chán nản, gần mười mấy năm theo đòi giấc mơ đổi đời nhờ “vàng thô” này mà bây giờ ngôi nhà cho vợ con chui rúc cũng chẳng cất nổi. May đời tôi còn biết lúc dừng, chứ không...”.
Người phu trầm một thuở bỏ lửng câu nói rồi đưa mắt qua vườn trầm của mình, khuôn mặt anh bỗng tươi hẳn lên. Anh hồ hởi khoe: “Nghĩ lại thì cũng nhờ cha ông ta ngày xưa siêng rúc rừng, nên bây giờ tụi tui mới được thừa hưởng một số miệng trầm giá trị này chứ. Cũng có những miệng trầm phải đổ công ra săn khắp khu rừng để mang về trồng trong vườn mình”.
“Đời trầm”, đời người
Để có những gốc trầm “khủng”, đòi hỏi người nuôi phải hiểu biết và thật am tường về giống cây này. Như lời anh Thanh thì trầm do thiên nhiên tự tạo sẽ có chất lượng gấp bội lần con người tạo ra. Giá trị định lượng trên thị trường của trầm cũng chủ yếu dựa vào yếu tố này.
Anh Thanh giải thích, những súc trầm có đường kính trên dưới 35cm được đánh giá là “rất có tương lai”, nếu biết tận dụng, nuôi giữ thì sau một khoảng thời gian nhất định, chúng sẽ dần hình thành trai cọng và tạo dầu. Còn lại, những miệng trầm không có tương lai, nghĩa là những trai cọng ít dầu sẽ được anh Thanh bán trước với giá rẻ.
Anh Thành phân chia “miệng trầm” ra thành nhiều loại. Cụ thể, loại một là những gốc trầm do thiên nhiên tự tạo, trai cọng quặn quẹo, loại này là trầm “khủng” thường bán trên thị trường theo ước định từng lạng. Mỗi lạng dao động không dưới 7 đến 8 triệu.
Loại thứ hai là những miệng chêm có tuổi đời lâu năm (những nhát rựa của người cha xưa có thể là do sinh hoạt, cũng có thể do cuộc tìm trầm trước đó để lại - PV), loại này ngày nay rất hiếm.
Loại thứ ba là những thân dó bầu còn nguyên, hay được bàn tay người nuôi, chăm bón từ cây con đến khi trưởng thành. Với loại này, người ta có thể dùng khoan hay đục để tạo bộng nuôi trầm, rồi tích cực chăm sóc có thể lên đến vài chục năm.
Loại cuối cùng, như đã nói là những trai cọng, miệng chêm ít tuổi, loại này thường được bán theo ước định từng yến, giá thành cũng vì thế thấp nhất.
Nghề săn, nuôi trầm rừng, đòi hỏi nghiệp vụ khá cao về nghề rừng. Người nuôi trầm phải thành thạo các kỹ năng sinh tồn trong rừng. Thực tế, nghề của họ mỗi ngày phải đối mặt với không ít hiểm nguy. Bởi rừng là nơi cất giữ trầm tốt nhất, ngược lại cũng là nơi thiếu an toàn nhất.
Theo anh Thanh, công việc này đòi hỏi người nuôi phải có uy tín, sống hòa đồng, hay giúp đỡ người làng thì mới tránh khỏi những khó khăn. Anh Thanh cũng là người rất được dân làng thương yêu, nhà ai có công việc gì cần giúp đỡ anh đều tận tình kể cả đêm khuya.
Cứ mỗi năm anh Thanh lại dùng cưa cẩn thận cắt đi mỗi cây một miệng trầm đem bán để lấy ngắn nuôi dài. Như tâm sự của anh thì những gốc trầm nuôi này “ăn nhau” về sau, chứ trước mắt chỉ kiếm đủ tiền chăm bón.
Một năm cố công với vườn trầm, anh Thanh cũng được dăm, ba chục triệu. Hỏi về “cái ăn nhau về sau”, anh nói: “Có thể là tiền trăm, cũng có thể tiền tỷ, vì tiền tui còn bèm nhèm trong đất kia mà, làm sao biết được!”. Lại hỏi: “Để có được những gốc trầm “khủng” thì mất bao nhiêu thời gian”, anh Thanh đáp: “Một đời người”.
Anh Thanh nhớ lại: “Những năm trước kia, chúng tôi đi theo từng hội, đi hết Nam ra Bắc, hết thâm sơn cùng cốc. Nói chung là nơi nào có trầm thì nơi đó có bàn chân chúng tôi. Những ngày đi thì rôm rả, những ngày về thì bủng beo. Nguy hiểm có, chết chóc có, nhưng vì mưu sinh và cũng là cái thú nên nó khiến con người ta hăng máu quá. Có những chuyến đi biệt tăm cả mấy năm ròng, vợ con cứ tưởng đã mất tích, chết mất xác ở đâu đó. Những năm đó, cứ biết là trầm và trước mắt là trầm thôi chứ chẳng còn màng tới gia đình gì nữa”. |
Tác giả bài viết: Chu Ngọc Oai
Nguồn tin: