Kinh tế

Sửa thuế thu nhập cá nhân: Cần tăng mức giảm trừ gia cảnh

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất sửa lại thang bậc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương, tiền công theo hướng tăng thu cho ngân sách, nhưng khoản khấu trừ cá nhân và người phụ thuộc không được nhắc tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ 9 triệu đồng/tháng hiện nay quá thấp, làm mất cơ hội cải thiện cuộc sống của người dân. Ảnh: Như Ý.

Chỉ nhắm vào tăng thu?

Trong dự thảo mới nhất về sửa đổi các luật về thuế gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án sửa thang bậc thuế TNCN với phần tiền lương, tiền công. Trong đó, 1 phương án sẽ khiến ngân sách giảm thu 1.300 tỷ đồng/năm, do chia lại bậc khiến người nộp thuế đều giảm mức đóng từ 250.000 đồng tới 850.000 đồng/người/tháng.

Phương án còn lại giúp tăng thu ngân sách 500 tỷ đồng/năm, khi người nộp thuế phải tăng mức đóng từ 250.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng. Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn phương án tăng thu cho ngân sách.

Tuy đề xuất tăng hàng loạt sắc thuế đánh vào người dân, nhưng trong đề xuất sửa thuế TNCN, Bộ Tài chính chưa bàn tới quyền lợi người nộp thuế.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ 9 triệu đồng/tháng hiện nay quá thấp, làm mất cơ hội cải thiện cuộc sống của người dân. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cụ thể, Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn phương án tăng thu ngân sách, thay vì phương án giảm gánh nặng cho người dân. Đồng thời, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế TNCN trên tiền lương, tiền công đã được ban hành từ lâu, cũng không được đề cập tới việc sửa đổi. Theo quy định hiện hành, thu nhập từ tiền lương, tiền công mỗi người được giảm trừ cho bản thân 9 triệu đồng/tháng, và giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng.

Mức giảm trừ gia cảnh này được áp dụng từ tháng 7/2013, trong khi những năm qua thu nhập người dân tăng lên, kéo theo giá cả tăng, lạm phát hàng năm cũng tăng. Đặc biệt, tiền lương tối thiểu, lương cơ sở cũng liên tục được điều chỉnh tăng để bù trượt giá, cải thiện đời sống người lao động. Nhưng riêng cơ sở tính thuế TNCN vẫn không đổi.

Góp ý cho đề xuất sửa đổi thuế TNCN của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thu Trang, Cty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng, mức giảm trừ thu nhập chịu thuế TNCN của Việt Nam đang quá thấp. Đặc biệt, khi các sắc thuế khác có thể tăng (như thuế giá trị gia tăng) khiến chi tiêu cá nhân tăng, nên mức giảm trừ gia cảnh cũng cần phải được nâng lên.

Chưa kể, theo bà Trang, mức giảm trừ thu nhập hiện cũng chưa sát với chi phí thực tế của người dân, nên Bộ Tài chính cần xem xét nâng mức giảm trừ thuế TNCN. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Cty Luật Basico cho rằng, chỉ nên chia thuế TNCN thành 3 bậc, thay vì 5 bậc như đề xuất của Bộ Tài chính. Đồng thời, giảm mức thuế TNCN tối đa hiện 35% xuống 20% - bằng mức thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hãy cho dân cơ hội cải thiện cuộc sống

Chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ cho rằng, việc sửa luật về thuế phải tính toán cho hợp lý, có lộ trình và công bằng. Theo ông Hồ, hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tính theo GDP mới hơn 5 triệu đồng/tháng thu nhập thực tế còn thấp hơn. Trong khi mức giảm trừ chỉ 9 triệu đồng là quá thấp. Mức thu nhập như trên cũng chưa thể xem là tầng lớp trung lưu, mà vẫn là người thu nhập thấp, trong khi thuế TNCN hướng tới người thu nhập cao.
Theo ông Hồ, người sống ở các thành phố mức thu nhập 9 triệu đồng mỗi tháng lo cho bản thân còn khó. Với chi phí hiện nay, mức thu nhập 12-13 triệu đồng mỗi tháng/người mới tạm ổn.

Đặc biệt, khi nhiều dịch vụ công đang dần chuyển sang cơ chế giá và xã hội hóa, chi phí của người dân sẽ còn tăng cao. “Trong khi, người dân còn phải trang trải cho cuộc sống gia đình, con cái học hành, dự phòng cho lúc ốm đau. Mức 9 triệu đồng mới chỉ đáp ứng được mức sống tối thiểu, nhưng khi vừa vượt quá là phải chịu thuế 10%. Rõ ràng, mức khấu trừ 9 triệu đồng mỗi tháng chủ yếu để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, nên cần tính toán lại, để người dân có cơ hội cải thiện cuộc sống”, ông Hồ nói.

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2017, của Bộ Tài chính mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, định hướng chính sách về thu ngân sách của Bộ Tài chính đưa ra vẫn theo tư duy tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Trong khi đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế mới, như thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, điển hình là Uber, Grab… “Đây là mỏ vàng để mở rộng cơ sở thuế. Nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chậm có chính sách để thu thuế. Quan điểm quan trọng là mở rộng cơ sở thuế, việc điều chỉnh tăng mức thuế phải phù hợp với phát triển đất nước”, Thủ tướng chỉ đạo.

Theo đề xuất mới nhất của Bộ Tài chính về chia lại thang bậc thuế TNCN, phương án 1, thu nhập chịu thuế tới 10 triệu đồng mức thuế là 5%; từ 10 đến 30 triệu đồng mức thuế 15%; từ 30 đến 50 triệu đồng mức thuế 25%; từ 50 đến 80 triệu đồng thuế 30%; trên 80 triệu đồng mức thuế 35%. Phương án này số thu ngân sách giảm khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.

Phương án 2, thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng mức thuế là 5%, từ 5 đến 10 triệu đồng thuế 10%; từ 10 đến 40 triệu đồng thuế 20%; từ 40 đến 80 triệu đồng thuế 30%; trên 80 triệu đồng thuế 35%. Phương án này số thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 500 tỷ đồng/năm. Bộ Tài chính nghiêng về lựa chọn phương án này.

Tác giả: Hữu Việt

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP