Nguyên nhân giá vải tại thành phố Hồ Chí Minh lên đến 100.000 đồng một kg được nhiều tiểu thương tại đây cho rằng, do vải vận chuyển từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh bằng đường hàng không nên giá vải ở mức cao.
Chị Nguyễn Thị Minh, một tiểu thương tại chợ Gò Vấp cho biết, vải là loại quả đặc sản của miền Bắc. Tuy đầu mùa vải vẫn lẫn vị chua chứ không ngọt như vải thiều nhưng được rất nhiều người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh ưa chuộng. Đơn cử, mỗi ngày gian hàng trái cây của chị Minh bán hết chừng 70 kg vải. Chưa kể đến nhiều khách hàng còn đặt trước tiền bởi lượng vải mỗi ngày tại đây không có nhiều.
“Vải đầu mùa có giá cao nhưng khách hàng vẫn mua bởi nhiều người thích ăn vị ngọt thanh của quả vải miền Bắc. Hơn nữa, nhiều người cũng thích thú với việc vải để ngăn đá thành vải tuyết giải nhiệt mùa hè. Tuy nhiên, lượng vải đầu mùa không có nhiều, mỗi ngày ở chợ đầu mối về chỉ khoảng vài tạ và các tiểu thương như chúng tôi chia nhau. Có ngày lấy được đến 70kg vải nhưng cũng có ngày chỉ khoảng 50kg để bán cho khách”, chị Minh cho biết.
Vải đầu mùa có mức giá khá đắt đỏ tại thị trường phía Nam. |
Chị Nguyễn Thị Thơm – một tiểu thương bán trái cây khác trên đường 3/2, Q.10 cho biết, so với nhiều năm trước, giá vải đầu mùa tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ 100.000 đồng một kg như hiện nay cũng là khá rẻ. Bởi những năm trước, có thời điểm giá vải đầu mùa lên đến 150.000 đồng một kg.
“Vải đầu mùa bao giờ cũng đắt. Bên cạnh đó, khi vào mùa vải thiều Bắc Giang bán tại đây cũng khá cao, luôn dao động trong khoảng 30.000 đến 50.000 đồng một kg. Trong khi đó, cùng thời điểm giá vải ở Hà Nội chỉ khoảng 10.000 đến 20.000 đồng một kg. Vải đầu mùa được vận chuyển bằng may bay do số lượng không nhiều. Tuy nhiên, đến khi vải chín rộ, sản lượng nhiều sẽ vận chuyển bằng tàu hỏa hoặc container”, chị Thơm nói.
Ngoài việc ăn trực tiếp, nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh còn chế biến món chè vải, trà vải để giải nhiệt những ngày nắng nóng. Hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ vải mà mận hậu đầu mùa cũng được bán với mức giá khá đắt đỏ hơn 100.000 đồng một kg.
“Tôi là người miền Bắc vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Mỗi năm khi mùa vải hay mận hậu miền Bắc đến tôi lại chờ các chợ ở thành phố bán để mua về ăn. Tôi rất thích ăn những loại trái cây miền Bắc như vải, mận hậu hay đào. Bên cạnh ăn trực tiếp thì làm vải tuyết hay trà vải cũng là một trong những thực phẩm giúp giảm nhiệt rất tốt”, chị Hoài Nhung thông tin.
Vải là loại quả đặc sản miền Bắc và nổi tiếng với vải thiều Bắc Giang. Vải thiều Bắc Giang không chỉ bán tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Năm 2018, sản lượng vải tiêu thụ trong nước đạt 118.700 tấn (chiếm 55% tổng sản lượng tiêu thụ). Thị trường tiêu thụ trong nước bao gồm các tỉnh lân cận phía Bắc cùng các thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thông qua các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và một số siêu thị (Coop.Mart, Big C, Happro...). Bên cạnh đó, lượng vải thiều tươi xuất khẩu đạt 97.100 tấn (chiếm 45% tổng sản lượng), giá trị xuất khẩu ước đạt 170,5 triệu USD. Trong đó, vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 86.200 tấn; vải thiều xuất khẩu sang thị trường khác đạt 1.200 tấn; vải thiều qua chế biến (vải khô, vải bóc cùi, long vải...) xuất khẩu được 3.300 tấn (tương đương khoảng 9.700 tấn vải tươi). Cũng trong mùa vụ này, quả vải Bắc Giang đã vươn tới thị trường của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số này có những thị trường lớn và “khó tính” như Trung Quốc, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia... Uy tín của vải thiều Bắc Giang còn được củng cố qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Ở vùng vải chủ lực là huyện Lục Ngạn, vụ vải năm 2018, huyện đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp và HTX dán tem truy xuất nguồn gốc. |
Tác giả: Thái Trường
Nguồn tin: VietQ.vn